Rắn, một biểu tượng về tín ngưỡng, văn hóa

hplike@admin.com
01 Mar 2025
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Rắn không chỉ là biểu tượng y học Asclepius mà còn là biểu tượng mạnh mẽ về tín ngưỡng, văn hóa ở khu vực Đông Nam Á.

Rắn, một biểu tượng về tín ngưỡng, văn hóa
Tượng rắn nhiều đầu, xuất hiện các vị trí "canh" đền Wat Phou, Lào. Ảnh: Thanh Hải
Rắn - hiện thân sự bình an, chữa lành

Con rắn quấn quanh cây gậy (Rod of Asclepius) là biểu tượng của y học. Rod of Asclepius bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp. Asclepius, trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, là thần y học, người có khả năng chữa lành mọi bệnh tật và thậm chí đem lại sự sống cho người chết. Đến nay, Rod of Asclepius là biểu tượng y học trên phạm vi toàn cầu. Nhưng điều thú vị, hình ảnh rắn, đầu rắn lại xuất hiện rất nhiều trong tín ngưỡng, văn hóa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Khi tham quan ở đất nước triệu voi, điều ấn tượng nhất với tôi là đạo Phật. Không chỉ bởi đền đài, chùa tháp hiện diện khắp nơi, mà đời sống, sinh hoạt của người dân Lào thấm đẫm tín ngưỡng, văn hóa Phật giáo. Thế nhưng khi đến Wat Phou - một di tích cổ xưa của nền văn minh Khmer nằm dưới chân núi Phou Khao, tỉnh Champasak, Lào tôi lại ngỡ ngàng bởi tượng rắn nhiều đầu "canh gác" đền.

Wat Phou được giới thiệu là một trong những ngôi đền Hindu lâu đời nhất Đông Nam Á, mang đậm nét đẹp kiến trúc và tín ngưỡng của người Khmer. Wat Phou được xây dựng từ cuối thế kỷ 10 - đầu thế kỷ 11 trước cả di tích Angkor ở Campuchia và được xem là biểu tượng văn hóa cũng như niềm tự hào của người dân Lào.

Ban đầu, Wat Phou là nơi thờ cúng vị thần Shiva - một trong ba vị thần chính của đạo Hindu. Đến thế kỷ 13, người Khmer đã chuyển đổi Wat Phou thành một tu viện Phật giáo và duy trì cho tới ngày nay. Wat Phou nổi tiếng với những hình ảnh kỳ bí và độc đáo như hình cá sấu khắc trên đá, hình linga trên đỉnh núi hay những bậc thang có hình tượng rắn. Ngôi đền này còn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2001.

Vị thần "canh gác" đền Wat Phou lừng lững với 7 đầu rắn, hình dạng của hổ mang - đầu dẹt, phình to hai mang trong tư thế sẵn sàng "chiến đấu". Hướng dẫn viên giải thích với chúng tôi rằng đây là thần Naga - vị thần rắn của Ấn Độ giáo. Naga được xem là loài sinh vật linh thiêng, có sức mạnh bảo vệ các địa điểm tâm linh, nguồn nước, và kho báu. Nó như một vị hộ pháp, canh giữ và bảo vệ sự bình an cho nơi thờ tự.

Naga gắn liền với nước, mưa, và sự màu mỡ. Trong một quốc gia nông nghiệp như Lào, tượng Naga tượng trưng cho sự sung túc, mùa màng bội thu và sự phồn thịnh của đất nước. Tượng Naga tại Wat Phou có thể đại diện cho khả năng kết nối, cầu nguyện và nhận được sự phù hộ của các vị thần. Trong Phật giáo, Naga cũng được xem là những vị hộ pháp, bảo vệ Đức Phật và giáo lý của Ngài.

Sự trùng hợp thú vị

Tại Việt Nam, rất nhiều địa phương có đền và phong tục thờ rắn thần. Các hoạt động tín ngưỡng dù đã có phần phai nhạt bởi sự thay đổi khá nhanh bộ mặt nông thôn từ quá trình đô thị hóa. Nhưng trong đời sống tâm linh, quan niệm dân gian nhiều vùng miền còn rất "đậm" về tục thờ rắn thần.

Điều này được thể hiện rõ nét tại các di tích Champa ở dọc dài miền Trung. Tại cụm tháp Chăm - Dương Long thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Bình Định, hình tượng rắn Naga được chạm khắc tinh xảo, chi tiết, trang trí khắp các phần của tháp, từ chân tháp đến các cửa giả, cửa chính và các ô khám. Sự phong phú và tỉ mỉ trong việc khắc họa rắn Naga tại Dương Long cho thấy tầm quan trọng của biểu tượng này trong tín ngưỡng của người Chăm cổ. Không chỉ Dương Long, nhiều di tích Chăm khác ở Bình Định cũng lưu giữ hình ảnh rắn Naga, minh chứng cho sự phổ biến của tín ngưỡng này trong đời sống tâm linh của cư dân nơi đây.


Vương quốc Champa, với ảnh hưởng mạnh mẽ từ Ấn Độ giáo, đã tôn thờ rắn Naga như một vị thần quyền năng, biểu tượng của sự sinh sôi, mưa thuận gió hòa và bảo vệ mùa màng. Rắn Naga thường được miêu tả với hình dạng uy nghi, nhiều đầu, quấn quanh các kiến trúc tôn giáo mà sự xuất hiện thần rắn Naga ở cụm tháp Dương Long là một minh chứng. Qua biến động lịch sử, tín ngưỡng thờ rắn ở Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung không còn phổ biến như xưa. Thay vì những nghi lễ lớn, có tổ chức như thời Champa, việc thờ rắn hiện nay thường mang tính cá nhân hoặc gia đình hơn. Đây đó vẫn còn các hộ dân còn thói quen thờ cúng rắn trong nhà, đặc biệt là những hộ gia đình sống gần các khu vực rừng núi, nơi rắn sinh sống nhiều. Việc thờ cúng này thường đơn giản, chủ yếu là dâng hương, cúng lễ mọn để cầu mong sự bình an, may mắn và tránh khỏi tai ương. Sự thờ phụng này thể hiện sự tôn kính đối với một loài vật được xem là linh thiêng, có sức mạnh siêu nhiên, và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Chưa có nghiên cứu hoặc bằng chứng nào khẳng định sự liên hệ trực tiếp giữa tục thờ rắn ở Bình Định, miền Trung Việt Nam, tượng rắn thần ở Wat Phou (Lào), và biểu tượng y học Asclepius. Tuy vậy, sự trùng hợp này rất thú vị. Việc cùng sử dụng hình ảnh rắn như một biểu tượng của sự cho sự tái sinh, sự hồi phục, là sức mạnh chữa bệnh của biểu tượng y học Asclepius cũng "gần" với tín ngưỡng thờ rắn - như sự chữa lành, là sức mạnh siêu nhiên trong văn hoá Champa, trong tín ngưỡng dân gian người Việt và cả trong các công trình kiến trúc tôn giáo của khu vực Đông Nam Á, tiêu biểu như tại đền Wat Phou ở Lào.