Giới thiệu quyển sách "Phát huy giá trị nhân văn của các tín ngưỡng dân tộc"

Tran Anh Khoa
09 Dec 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Bộ thông tin và Truyền thông ; Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hiệp biên soạn. - Hà Nội : Thông tin và Truyền thông, 2022. - 251 tr. ; 21 cm

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Sự đa dạng của tín ngưỡng dân tộc qua các loại hình tín ngưỡng như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Tín ngưỡng thờ vua Hùng, Tín ngưỡng thờ Mẫu… Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc, tôn giáo luôn luôn đoàn kết, chung tay đấu tranh với thiên tai, địch họa, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát, khách quan về các giá trị nhân văn của các tín ngưỡng dân tộc trong điều kiện mới, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách Phát huy giá trị nhân văn của các tín ngưỡng dân tộc của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2022.

Sách được chia thành các chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận chung về tín ngưỡng và một số loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam

Giới thiệu đến bạn đọc các khái niệm về tín ngưỡng cũng như các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam. Đồng thời, tác giả đưa ra những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo và tín ngưỡng.

Chương 2: Giá trị nhân văn của một số tín ngưỡng đối với đời sống xã hội Việt Nam

Tín ngưỡng dân tộc là một loại hình văn hóa tín ngưỡng, được hình thành và phát triển dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp tự nhiên của người dân và nó vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân trên mọi miền đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, giá trị nhân văn của một số tín ngưỡng có giá trị tích cực trong sự phát triển văn hóa của dân tộc. Những giá trị nhân văn của các tín ngưỡng dân tộc đã góp phần tạo nên nét đẹp trong tinh hoa văn hóa dân tộc, truyền tải những giá trị nhân văn của dân tộc như đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn, trách nhiệm với quê hương đất nước.

Chương 3: Một số xu hướng biến đổi và giải pháp nhằm phát huy những giá trị nhân văn của các tín ngưỡng dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Bên cạnh những giá trị tốt đẹp, tín ngưỡng dân tộc đang bị lợi dụng ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng, làm suy giảm, mai một các giá trị nhân văn của các tín ngưỡng, lễ hội truyền thống. Do đó, trong chương này, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy tốt hơn vai trò của các tín ngưỡng dân tộc trong tiến trình bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong điều kiện mới hiện nay.

Phụ lục: Một số lễ hội điển hình trong tín ngưỡng dân tộc ở Việt Nam

Trong sự phát triển chung của đất nước cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc luôn có sự chung tay đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo và đồng bào tôn giáo. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, bảo đảm nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mỗi tôn giáo. Việc khơi dậy nguồn lực và phát huy các giá trị đó không chỉ giúp đồng bào theo tôn giáo bảo vệ niềm tin, định hướng mục tiêu sống cho nhiều người, mà còn góp phần làm giàu thêm đạo đức, văn hóa dân tộc.