Lễ hội không phải nơi “xin” và “cho”

Tran Anh Khoa
26 Oct 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Nhiều năm trở lại đây không ít lễ hội, ngôi chùa thiêng… vượt thoát khỏi quy mô địa phương và trở thành điểm đến của người dân muôn phương . Lễ hội vì thế có uy mô được mở rộng, văn hóa tín ngưỡng được khơi dậy, phục dựng và lan tỏa hơn. Bằng chứng rõ ràng và dễ nhận thấy nhất là lượng khách đổ về các lễ hội lớn luôn đông đúc. Điều này chứng tỏ sức hút và sức sống của lễ hội với cộng đồng trong cuộc sống hôm nay. Không phải không có lý khi ai đó quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Nhưng điều không khó để nhận ra từ một trong nhiều lý do khiến người ta đến với lễ hội đông đúc có lẽ là sự hiểu chưa đúng về chữ “xin” và “cho” – tài lộc.

Lẽ dĩ nhiên “tài, lộc” trong bối cảnh hôm nay được hiểu là lợi lộc, chức quyền, sung túc… nên ai cũng mong muốn và là mong muốn chính đáng. Nhưng từ mong muốn đến hiện thực là một con đường dài, thậm chí quá xa và không phải ai cũng nhìn thấy đích. Vì vậy không ít người có niềm tin rằng các đấng thần linh với sự siêu phàm sẽ có thể dễ dàng biến ước mơ đó thành hiện thực. Nên muốn “cầu được ước thấy” thì phải đi “xin” – xin ở những đấng siêu phàm.

Trong tâm thức mỗi con người vẫn còn tin, vẫn còn thấy “điều thiêng” tồn tại trong cuộc sống thì thật đáng quý. Chí ít nó cho thấy tâm hồn con người không bị cằn cỗi và hướng đến những điều thiện, điều tốt đẹp để sống tốt, sống tử tế và có ý nghĩa hơn. Chỉ có điều không ít người biết nâng niu, trân trọng và giữ gìn điều thiêng ấy một cách đúng nhất.

Không có thần thánh nào có thể “phù hộ” hay ban lộc cho người vừa tạo ra những hình ảnh xấu xí ở ngay chốn linh thiêng. Và chắc rằng cũng không thánh thần nào có thể mua chuộc được dễ dàng bằng “mâm cao cỗ đầy”, vàng mã ngút trời hay sự tranh giành, chen lấn…

Chùa chiền… không phải là nơi “xin”, “cho”. Đây là nơi để người đến thấy được sự yên bình, tĩnh tại khi con người ta gạt bỏ những “tham, sân, si” của sự bon chen, ồn ã để sống thiện hơn, đẹp hơn.

Lễ hội truyền thống càng không phải nơi “xin”, “cho” hay “buôn thần bán thánh” . Lễ hội là dịp để người tham dự nhớ ơn người đã có công lao với cộng đồng, thể hiện được ước vọng đẹp đẽ của con người, tái hiện, quảng bá những giá trị văn hóa của thế hệ trước, gắn kết cộng đồng…

Không biết đã có ai làm phép thống kê có bao nhiêu người đi xin sự giàu sang, thông thái, thăng quan tiến chức ở những ngôi chùa, những lễ hội đã trở thành sự thật. Nhưng có lẽ con số có được như ý không nhiều, bởi nếu ai cũng “xin được” thì cuộc sống chắc đã không còn có những cảnh khốn khó cùng cực phải nhờ đến sự giúp đỡ của cộng đồng.

Dân gian đã có câu “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa” hẳn đã đề cao cái tâm của con người hơn là nơi đến – địa điểm. Bởi nếu so sánh thì hẳn trong quan niệm của nhiều người “nhà, chợ” sẽ ít thiêng hơn so với chùa. Nhưng đằng sau câu nói đó còn bao hàm biết bao ý nghĩa vô cùng sâu sắc và thấm thía, rằng nếu không sống tốt với con người ở ngay gia đình với những người thân thuộc và xã hội thì có đến chùa để tu cũng chả có ích gì. Hãy tu ở đời thường cho tốt trước đã rồi hãy tu ở cửa Phật. “Phật ở tại tâm”.



Người ta đi lễ chùa để cầu cho bản thân những gì tốt đẹp nhất nhưng lại ích kỷ với ngay người đi bên cạnh để sẵn sàng chen lấn, xô đẩy… Và chỉ muốn những gì “xin” được “cho” ngay mà không phải đánh đổi mồ hôi, chất xám, công sức, không nhìn lại bản thân mình có xứng đáng được nhận những điều mình vừa xin hay không?.

Có ai từng hài hước và cay đắng nói rằng bởi vì đời thực nếu muốn một cái gì đó có lợi cho bản thân kiểu “đốt cháy giai đoạn” thì phải “hối lộ” bằng không ít tiền. Còn ở chốn linh thiêng, các đấng siêu phàm không đòi hỏi nên người ta cứ thoải mái cầu, thoải mái xin… Thế mới có hiện tượng càng nơi nào được cho là cầu tài, cầu lộc thì càng đông người đến. Còn như Lễ hội Minh thề - lễ hội không phải để xin tài lộc mà để thề “trong sạch” thì lại dường như chưa đông người đến.