- Cư trú chủ yếu ở vùng rừng núi cao, sống giữa thiên nhiên và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, người Hà Nhì tin rằng cuộc sống yên bình của họ từ xa xưa đến nay, một phần là do các vị thần phù hộ che chở. Các vị thần cho họ rừng, cho họ nước để cày cấy, cho thóc lúa, thức ăn hàng ngày, bởi vậy người Hà Nhì coi trọng việc thờ cúng tạ ơn các vị thần. Trong cộng đồng người Hà Nhì, lễ cúng bản được coi là tín ngưỡng độc đáo, mở đầu cho cho các nghi lễ tế cúng thần trong một năm của người Hà Nhì.
Trong tín ngưỡng, người Hà Nhì tin vào vạn vật hữu linh, tức là mọi sự vật đều có linh hồn ngự trị, bởi vậy họ thường tổ chức lễ cúng tạ ơn các vị thần. Theo truyền thống dân gian, trước khi xuống ruộng gieo lúa, lên nương gieo ngô, người Hà Nhì phải làm lễ cúng bản làng. Bởi vậy, vào ngày Thìn tháng ba âm lịch, người Hà Nhì thường tổ chức lễ cúng bản. Nghi lễ này phản ánh ước nguyện của người dân luôn mong được trời đất phù hộ, cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi ma quỷ để người dân yên tâm làm ăn, mùa màng được bội thu. Lễ cúng bản là nghi lễ trọng, nên cả cộng đồng cùng tham gia. Trong 3 ngày diễn ra lễ cúng, dân bản không được ra ngoài, người ở nơi khác không được vào bản, nên lễ này còn có tên gọi khác là lễ cấm bản. Lễ cúng bản được tổ chức tại khu đất ngay đầu bản. Vật tế trong lễ cúng bắt buộc phải có một con lợn, một con gà và trên mâm cúng cũng bao giờ cũng có xôi màu vàng làm từ gạo nếp. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian cho biết: “Người ta cho rằng, màu vàng đó là màu của mùa màng, màu của những ruộng bậc thang, màu của mùa lúa chín. Bởi vậy người dân làm ra thứ xôi màu vàng, được coi là màu đẹp để dâng cúng các vị thần, dâng cúng tổ tiên”.
Vào ngày chuẩn bị các lễ vật cho lễ cúng, khi những người phụ nữ hái lá nhuộm gạo làm xôi màu vàng, thì những người đàn ông trong bản cùng nhau dựng một cây sào, trên đầu cây sào treo một con gà với hình chiếc cung tên hướng ra ngoài bản. Trên sào cũng căng một sợi dây bắc ngang qua đường, trên đó có gắn nhiều hình tượng là các binh khí, như lưỡi dao, lưỡi mác mà theo quan niệm để ngăn ma quỷ vào bản làng. Trong các lễ vật dâng cúng, con gà hiến tế được coi là con vật thiêng, giúp người dân giao tiếp với các vị thần linh. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, cho biết thêm: "Người ta cho rằng, khi gà gáy thì mặt trời lên, cho nên con gà trở thành biểu tượng thiên liêng, gắn với việc ra đời thời gian, ra đời năm tháng và gắn với tục gọi mặt trời của đồng bào. Vật hiến tế cũng mang tính biểu tượng, con gà thiêng có khả năng xua đi bóng tối, xua đi thế giới ma quỷ".
Trong những ngày diễn ra lễ cúng bản, thầy cúng người Hà Nhì phải làm rất nhiều thủ tục để xin các thần phù hộ cho dân bản may mắn. Vào dịp này, những gia đình hiếm muộn có thể xin các thần ban cho con cái. Các nghi lễ tế thường được tổ chức đến buổi trưa thì ngừng lại để mọi người tiếp tục công việc đồng áng và nghi lễ kết thúc vào buổi tối. Kể từ khi diễn ra lễ cúng bản ( hay còn gọi là lễ cấm bản), những người lạ bị cấm không được vào bản. Người dân trong bản không được mang vác bất cứ vật gì trên vai và chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng của người Hà Nhì, vì theo quan niệm, chỉ thần linh tổ tiên của người Hà Nhì mới nghe được thứ tiếng này. Các nghi lễ hoàn tất cũng là lúc những lo lắng tâm linh trong bản đã được giải thoát. Mọi người cùng ngồi lại với nhau ăn uống vui vẻ với cảm giác được bình an, vì họ tin rằng đã được thần linh che chở phù hộ. Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, cho rằng: "Ở phong tục này, người ta mong muốn, các vị thần linh, thần đất, vị thần các rừng cây trong không gian mà người Hà Nhì cư trú sẽ che chở phù hộ. Bản làng của người Hà Nhì sẽ được bảo vệ, cho nên nghi lễ cấm bản có ý nghĩa rất thiêng liêng".
Trong lễ cúng bản, người Hà Nhì còn có tục tặng nhau những quả trứng nhuộm màu gói kín trong những đụm xôi. Khách nơi xa ở lại bản mà được ăn thứ quà ấy, được xem là sẽ may mắn trong năm tới.