Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng chung ASEAN. Tiêu chí nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN được xác định và liên tục duy trì trong các cam kết hành động, nâng tầm hơn bằng mục tiêu xây dựng một cộng đồng năng động và hài hòa, nhận thức và tự hào về bản sắc văn hóa và di sản của mình, đi đôi với tăng cường khả năng sáng tạo và chủ động đóng góp vào cộng đồng toàn cầu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Việc bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong các nội dung tạo dựng bản sắc ASEAN được ưu tiên tăng cường hợp tác trong năm Lào làm chủ tịch.
1. Di sản văn hóa và di sản văn hóa ASEAN
Định nghĩa văn hóa và di sản văn hóa được các quốc gia thành viên ASEAN công nhận các ý nghĩa sau: “Văn hóa” có nghĩa là toàn bộ phức hợp các đặc điểm tinh thần, trí tuệ, cảm xúc và vật chất đặc trưng cho một xã hội hoặc nhóm xã hội. Nó bao gồm nghệ thuật và văn học cũng như các phương thức sống của con người, hệ thống giá trị, sự sáng tạo, hệ thống kiến thức, truyền thống và tín ngưỡng. “Di sản văn hóa” có nghĩa là: (a) các giá trị và khái niệm văn hóa quan trọng; (b) các công trình và hiện vật: nhà ở, tòa nhà thờ cúng, công trình tiện ích, tác phẩm nghệ thuật thị giác, công cụ và dụng cụ, có ý nghĩa lịch sử, thẩm mỹ hoặc khoa học; (c) các địa điểm và môi trường sống của con người: sáng tạo của con người hoặc kết hợp sáng tạo của con người và thiên nhiên, các địa điểm khảo cổ và các địa điểm của cộng đồng con người đang sống có giá trị nổi bật theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, nhân học hoặc sinh thái, hoặc vì các đặc điểm tự nhiên của nó, có tầm quan trọng đáng kể như môi trường sống cho sự tồn tại và bản sắc văn hóa của các truyền thống sống cụ thể; (d) di sản truyền miệng hoặc dân gian: phong tục tập quán, văn hóa dân gian, ngôn ngữ và văn học, nghệ thuật và thủ công truyền thống, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi, hệ thống và thực hành kiến thức bản địa, thần thoại, phong tục và tín ngưỡng, nghi lễ và các truyền thống sống khác; (e) di sản viết; (f) di sản văn hóa đại chúng: sự sáng tạo của đại chúng trong các nền văn hóa đại chúng (tức là các nền văn hóa công nghiệp hoặc thương mại), các hình thức biểu đạt đại chúng về các giá trị thẩm mỹ, nhân học và xã hội học nổi bật, bao gồm âm nhạc, khiêu vũ, nghệ thuật đồ họa, thời trang, trò chơi và thể thao, thiết kế công nghiệp, điện ảnh, truyền hình, video ca nhạc, nghệ thuật video và nghệ thuật mạng trong các cộng đồng đô thị định hướng công nghệ (1).
Di sản văn hóa ASEAN chia thành hai loại chính. Di sản văn hóa vật thể bao gồm các di tích lịch sử, văn hóa; các cổ vật và bảo vật quốc gia, các danh thắng thiên nhiên. Các nhà thờ kiểu Baroque, thị trấn lịch sử Vigan ở Philippines; quần thể đền đài Borobudur, Vườn quốc gia Komodo của Indonesia; Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ, cố đô Huế của Việt Nam; quần thể rừng Dong Phaya Yen-Khao Yai, thành phố lịch sử Ayutthaya của Thái Lan; Vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia; đền Preah Vihear của Campuchia; Luang Prabang của Lào; các thị quốc Pyu của Myanmar; vườn bách thảo Singapore của Singapore... Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm ngôn ngữ và văn học dân gian; nghệ thuật biểu diễn truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghệ thuật truyền thống. Các loại hình như ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh của Việt Nam; Batik, Wayang (nghệ thuật rối bóng) của Indonesia, Mak Yong (nghệ thuật sân khấu cổ điển) và Dondang Sayang (hát đối) của Malaysia; Hudhud Chants of the Ifugao (bài ca Hudhud của người Ifugao), Darangen (sử thi của người Maranao) của Philippine; Nora (nghệ thuật múa truyền thống) và Khon (múa mặt nạ cổ truyền) của Thái Lan; lễ hội truyền thống (Royal Ballet), Sbek Thom (nghệ thuật múa rối bóng) của Campuchia; Thanaka (nghệ thuật sử dụng bột mỹ phẩm truyền thống) của Myanmar; Lamvong (điệu múa truyền thống) và Khaen (nhạc cụ truyền thống) của Lào. Di sản văn hóa của ASEAN tính đến năm 2020 có 38 địa danh là di sản văn hóa thế giới ở 8 quốc gia.
Trước tình hình thế giới và khu vực đang biến đổi nhanh trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, ASEAN xác định lại việc cần thiết phải bảo tồn và phát triển văn hóa nói chung và di sản nói riêng trở nên quan trọng cho một tương lai bền vững của khu vực và giá trị chung của toàn cầu. Trước đó, chính sách hợp tác về bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa được thông qua. Tăng cường hợp tác di sản văn hóa trong ASEAN nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 tại Viêng Chăn (2016); Cộng đồng ASEAN (2015) và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 là thúc đẩy một cộng đồng năng động và hài hòa, nhận thức và tự hào về bản sắc, văn hóa và di sản của mình. Các cam kết đối với các mục đích và nguyên tắc được ghi trong Tuyên bố ASEAN về Di sản văn hóa (Bangkok, 2000), Tuyên bố về sự Thống nhất của ASEAN trong Đa dạng văn hóa: Hướng tới Tăng cường Cộng đồng ASEAN (Bali, 2011), Tuyên bố về Văn hóa vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN (Huế, 2014), Tuyên bố về Văn hóa và Nghệ thuật nhằm thúc đẩy Bản sắc của ASEAN hướng tới một cộng đồng ASEAN năng động và hài hòa (Bandar Seri Begawan, 2016) nêu bật vai trò quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất và hài hòa và theo đuổi sự phát triển kinh tế bền vững. ASEAN thể hiện rõ mục tiêu lớn là hướng đến một tầm nhìn, một bản sắc và một cộng đồng hay cùng chung một vận mệnh và cộng đồng chung.
2. Tình hình hợp tác bảo tồn và thúc đẩy phát triển di sản văn hóa
Từ Kế hoạch hành động đến vai trò của các tổ chức trong ASCC
Kế hoạch Hành động ASEAN về Văn hóa và Nghệ thuật 2016-2025 được xác định là kim chỉ nam cho hợp tác bảo tồn và thúc đẩy phát triển di sản văn hóa nhằm hướng dẫn các hoạt động văn hóa và nghệ thuật, tập trung vào việc khuyến khích sự sáng tạo, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, trao đổi nghệ thuật và tăng cường hợp tác văn hóa trong khu vực (2). Song song với đó, một số cơ quan chuyên trách như Ủy ban Văn hóa và Thông tin ASEAN (COCI) thúc đẩy hợp tác, nhận thức và phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thông tin trong khu vực. Quỹ ASEAN điều hành Chương trình Nghệ thuật và Văn hóa, Trung tâm Khảo cổ học và Mỹ thuật khu vực Đông Nam Á (SPAFA), Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO).
Hiện nay, bên cạnh di sản văn hóa thế giới công nhận, ASEAN thành lập Danh sách Di sản văn hóa riêng (ACHL) đại diện cho di sản văn hóa ASEAN nhằm tiếp cận phù hợp để bảo tồn và thúc đẩy các biểu hiện văn hóa đa dạng của khu vực. ACHL như một cơ chế thúc đẩy di sản không chỉ đơn thuần là bảo tồn mà là việc tôn vinh lịch sử và các giá trị chung của khu vực “Bản sắc ASEAN”, thừa nhận ý nghĩa và vai trò văn hóa trong việc thúc đẩy tương lai bền vững. Danh sách được công nhận trên vừa là để bảo tồn và thúc đẩy truyền thống văn hóa khu vực, nhưng vẫn cộng hưởng giữa các dạng thức văn hóa đa dạng của cộng đồng ASEAN. Khác với sự nhấn mạnh của UNESCO về giá trị phổ quát, ACHL có vị thế độc đáo để ưu tiên giá trị và bản sắc khu vực. Sự thay đổi này thể hiện động thái hướng tới quan điểm lấy ASEAN làm trung tâm hơn về di sản văn hóa, quan điểm coi trọng hợp tác và đoàn kết khu vực. Cách tiếp cận này thừa nhận tính lưu động và sự kết nối của các yếu tố văn hóa, phản ánh sự thể hiện chân thực hơn về sự đa dạng văn hóa của ASEAN. Tập trung vào tính bền vững là không chỉ trong việc bảo vệ các yếu tố văn hóa mà còn trong việc truyền tải chúng cho các thế hệ tương lai; đảm bảo rằng việc bảo tồn di sản không chỉ là bảo vệ quá khứ mà còn là nuôi dưỡng một di sản văn hóa sống động, đang phát triển. ACHL mong muốn tạo ra một khuôn khổ di sản văn hóa bao trùm, năng động và phản ánh bối cảnh văn hóa độc đáo của khu vực ASEAN (3). Con đường phía trước của ACHL đầy những cơ hội và thách thức. Khi các cuộc thảo luận tiếp tục và danh sách phát triển, nó hứa hẹn sẽ bảo vệ di sản văn hóa và đoàn kết cộng đồng ASEAN chặt chẽ hơn. Hành trình hướng tới hiện thực hóa ACHL vừa thú vị vừa cần thiết, mang đến cơ hội giới thiệu bức tranh văn hóa phong phú của khu vực ASEAN với thế giới và tôn vinh những câu chuyện văn hóa độc đáo gắn kết các quốc gia ASEAN lại với nhau.
ASEAN Cultural Heritage Digital Archive (Lưu trữ di sản văn hóa số ASEAN - ACHDA) là một dự án của ASEAN, thành lập tháng 2-2020 nhằm bảo tồn và khuyến khích sử dụng công nghệ số để quản lý và truyền bá di sản văn hóa trong khu vực. Dự án này nhằm tạo ra một kho lưu trữ kỹ thuật số chung cho các di sản văn hóa, bao gồm tài liệu, hình ảnh, video và âm thanh, nhằm tiếp cận và tăng cường nhận thức văn hóa cho công chúng (4). Dự án ACHDA được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF). Đây là một dự án bảo tồn, lưu trữ di sản văn hóa quy mô và quan trọng của khu vực, có đóng góp lớn trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các quốc gia ASEAN.
Các nội dung hợp tác
Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên được xác định trong Kế hoạch chiến lược về văn hóa và nghệ thuật 2016-2025 gồm: đào sâu tư duy và bản sắc ASEAN để nâng cao sự trân trọng đối với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, truyền thống và giá trị của khu vực ASEAN; thúc đẩy sự đa dạng văn hóa của ASEAN để thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nền văn hóa; tận dụng văn hóa để phát triển toàn diện và bền vững; khai thác việc sử dụng văn hóa để sáng tạo, đổi mới và tạo sinh kế; và thúc đẩy hợp tác khu vực để nâng cao năng lực quản lý văn hóa và di sản; thúc đẩy vai trò của văn hóa để ASEAN trở thành thành viên chủ động của cộng đồng toàn cầu (5). Để tăng cường hợp tác hiệu quả, trong khối chung có một số hoạt động quan trọng như các chương trình trao đổi văn hóa, các hội nghị hội thảo quốc tế về văn hóa ASEAN; bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa khu vực; giáo dục và tuyên truyền. ASEAN còn hợp tác với các quốc gia lớn khác như Nhật Bản (bảo tàng, điện ảnh, hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại), Pháp (bảo tồn, bảo tàng), Hồng Kông, Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc (điện ảnh).
Liên hoan phim ASEAN (Asean International Film Festival & Awards - AIFFA) được tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm thúc đẩy và quảng bá ngành Công nghiệp điện ảnh và di sản phim ảnh trong khu vực. Thông qua đó, để chia sẻ và trưng bày những tác phẩm điện ảnh độc đáo từ các quốc gia thành viên (6). Các sự kiện liên hoan phim ASEAN do các tổ chức liên kết như HK-ASEAN foudation, Bangkok ASEAN film festival (BAFF). Festival Văn hóa ASEAN thường niên nhằm tôn vinh và quảng bá di sản văn hóa đa dạng của ASEAN, bao gồm các hoạt động nghệ thuật, triển lãm, trình diễn và trao đổi văn hóa giữa các quốc gia thành viên, tạo ra cơ hội giao lưu và tăng cường nhận thức văn hóa trong khu vực (7).
Các hoạt động nghệ thuật và sáng tạo với mục tiêu bảo tồn và phát triển di sản văn hóa như triển lãm nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc và múa truyền thống. Triển lãm và diễn đàn các thành phố sáng tạo ASEAN (ASEAN Creative Cities Forum and Exhibition - ACCFE) là một diễn đàn và triển lãm nghệ thuật sáng tạo nhằm kết nối các thành phố sáng tạo trong khu vực ASEAN, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Việc bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống thông qua các chương trình giáo dục âm nhạc ở mọi cấp độ tiếp tục thu hút các nghệ sĩ trẻ và việc học của họ được nâng cao từ các cơ sở dữ liệu và kho lưu trữ trực tuyến. Chương trình nghiên cứu âm nhạc tại Campuchia, Indonesia, Singapore, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam hiện được liên kết trong các hội thảo liên trường đại học, với các chương trình giảng dạy đa dạng phản ánh truyền thống âm nhạc phong phú của mỗi quốc gia. Khi bối cảnh âm nhạc phát triển và biến đổi, âm nhạc truyền thống nếu mai một là sự mất mát một phần lịch sử và di sản, sẽ để lại khoảng trống lớn. Âm nhạc ở Đông Nam Á bắt nguồn từ nền văn hóa phong phú, bao gồm triết lý, tâm linh và các biểu tượng tỏa ra âm thanh của hòa bình và lòng khoan dung giữa một thế giới đa dạng và gắn kết.
Các hoạt động thể thao và trò chơi truyền thống là một phần quan trọng trong di sản văn hóa phi vật thể của mỗi quốc gia thành viên, mang những giá trị và chuẩn mực xã hội. Thông qua đó, thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa và trong xã hội. Thể thao ASEAN đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội theo nhiều cách, bao gồm tạo việc làm thông qua các hoạt động thương mại khác nhau xung quanh các sự kiện thể thao và thúc đẩy lối sống lành mạnh, tạo điều kiện xây dựng tình bạn và mạng lưới giữa các vận động viên và chuyên gia thể thao ASEAN. Các môn thể thao và trò chơi truyền thống ở ASEAN có thể là phương tiện lý tưởng để tiếp cận cộng đồng địa phương, đặc biệt là ở những vùng xa xôi, nơi các hoạt động truyền thống vẫn còn tồn tại. Tiến sĩ Hang Chuon Naron - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình tại lễ khai mạc hội thảo: “Các quốc gia thành viên ASEAN cần có hành động cụ thể để bảo vệ và thúc đẩy các môn thể thao và trò chơi truyền thống nhằm xây dựng tinh thần cộng đồng, gắn kết mọi người và khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn văn hóa của xã hội chúng ta”. Việc thúc đẩy bản sắc ASEAN thông qua bảo vệ các môn thể thao và trò chơi truyền thống trong kế hoạch công tác ASEAN về thể thao 2021-2025. Thể thao có thể là chất xúc tác giúp gắn kết công dân ASEAN lại với nhau và tạo cơ hội cho đối thoại liên văn hóa, hợp tác và hình thành ý thức cộng đồng. Đặc biệt, các môn thể thao truyền thống phản ánh các giá trị, đặc điểm và lối sống của một nhóm nhất định. Chúng là di sản văn hóa phi vật thể và nằm ở nền tảng của các truyền thống văn hóa của chúng ta. Việc duy trì kiến thức và thực hành các môn thể thao và trò chơi truyền thống là rất quan trọng để bảo tồn chúng.
Thúc đẩy phát triển du lịch, du lịch di sản được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của người dân trong toàn khu vực. Các Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF, sự kiện thường niên mỗi năm ở một nước) nhằm tăng cường quảng bá du lịch các nước trong khu vực và thúc đẩy du lịch bền vững.
Trong những năm gần đây, việc bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa có ảnh hưởng lớn đến bản sắc ASEAN. Nhận thức sâu sắc về vai trò đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã tăng cường hợp tác thông qua chương trình trao đổi nghệ thuật, hội thảo và triển lãm, đã được tổ chức thường xuyên, giúp gắn kết và nâng cao hiểu biết lẫn nhau. Việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể mức độ khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và quảng bá rộng rãi hơn. Việc ứng dụng công nghệ số đã bắt đầu trong việc bảo tồn di sản văn hóa như số hóa tài liệu, tạo các bảo tàng ảo và ứng dụng di động để giới thiệu di sản văn hóa đến công chúng. Điều này giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và bảo tồn di sản một cách hiệu quả hơn. Nhiều quốc gia trong khu vực đã đưa giáo dục về di sản văn hóa vào chương trình học, hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đến việc bảo tồn di sản văn hóa. Bảo tồn di sản văn hóa đã được gắn kết với phát triển du lịch bền vững như xây dựng các tour du lịch văn hóa, thúc đẩy du lịch cộng đồng và nâng cao chất lượng dịch vụ để bảo đảm rằng việc phát triển du lịch không gây hại đến các di sản văn hóa. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương là cách làm hiệu quả khi huy động nguồn lực tại chỗ, từ đó tạo sự gắn kết và trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản. Các chương trình văn hóa truyền thống được khuyến khích và phát triển nhằm hạn chế được sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, góp phần duy trì bản sắc văn hóa riêng biệt của từng quốc gia, tạo nên sự đa dạng văn hóa tổng thể và bản sắc khu vực. Bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa ASEAN không chỉ là tạo dựng bản sắc khu vực mà còn là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một ASEAN đoàn kết, phát triển và thịnh vượng.
3. Kết luận
Tình hình bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa trong những năm gần đây cho thấy một sự cam kết rõ ràng và những tiến bộ tích cực ở ASEAN. Hiện, có nhiều thách thức lớn cần được giải quyết, đặc biệt là việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, cũng như ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực và với các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt để đảm bảo việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách bền vững trong tương lai. Vì thế, kết quả hợp tác đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhờ vào nhiều yếu tố, nhất là việc ứng dụng công nghệ và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để bảo đảm di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển bền vững. Hiện đại hóa và đô thị hóa, sự thay đổi về xã hội và lối sống, thiếu nguồn lực và hỗ trợ, biến đổi khí hậu và thiên tai, vấn đề pháp lý và quản lý chưa có chính sách hoặc khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả. Trên cơ sở đó, cách khắc phục và hướng phát triển trong ngắn hạn và dài hạn là nâng cao nhận thức và giáo dục, khuyến khích cộng đồng địa phương cùng tham gia, phát triển du lịch văn hóa bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Như vậy, việc bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa ASEAN đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết nhiều phía và đồng bộ bao gồm chính phủ, cộng đồng, các tổ chức quốc tế và cá nhân mới có thể đạt được kết quả mong muốn trong tương lai (8).