Hiện nay, nước ta có khoảng mười ba vạn đồng bào Chăm, tiếng nói của dân tộc này rất gần tiếng nói của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, như: Giarai, Raglay, Êđê và Churu, nó cùng hệ ngôn ngữ Aus tronesian (nhóm ngôn ngữ Malay - Polynesian).
Đồng bào Chăm ở nước ta hình thành ba nhóm tín ngưỡng chính là: tín ngưỡng tôn giáo bản địa cổ Bàlamôn, Chăm Bà ni (Hồi giáo Bà ni) và Chăm Islam (Hồi giáo Islam). Cũng có một bộ phận không nhiều không theo tôn giáo nào.
Ngày xưa, đồng bào Chăm ở nước ta chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, từ vĩ tuyến 18 đến vĩ tuyến 20°, tức từ phía Bắc Đồng Nai cho tới vùng đèo Ngang của tỉnh Quảng Bình ngày nay. Do quá trình vận động và biến đổi của lịch sử xã hội, cộng đồng người Chăm trôi dạt dần theo hướng Nam của đất nước, rồi sống quần cư ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ; một bộ phận khác sống ở một số tỉnh thuộc vùng miền Đông và miền Tây Nam Bộ - tập trung quanh vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày nay.
Đồng bào Chăm, còn gọi là người Chàm, là một trong số 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là một dân tộc có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, rất đa dạng và phong phú. Một trong những cái đa dạng và phong phú của nền văn hóa ấy là người Chăm, một dân tộc có chữ viết sớm ở nước ta; truyền thống văn hóa ấy đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam. Bản sắc và truyền thống của văn hóa Champa biểu hiện đặc trưng cho lĩnh vực tín ngưỡng - tôn giáo, thông qua các sinh hoạt mang tính phong tục, lễ hội truyền thống và tín ngưỡng cổ của cộng đồng dân tộc này. Vì vậy, để tìm hiểu và nhận biết nét văn hóa đặc trưng của cộng động cư dân Chăm, từ nhiều thập niên qua nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu… Tuy nhiên, phần lớn các nhà sử học, nhà nghiên cứu đều tập trung đi sâu nghiên cứu, khai thác về lĩnh vực lịch sử văn hóa và nghệ thuật điêu khắc Champa nói chung; chưa có những công trình nghiên cứu sâu và toàn diện về lĩnh vực tín ngưỡng - tôn giáo của cộng đồng cư dân Chăm. Để góp phần nghiên cứu tín ngưỡng - tôn giáo của cư dân Chăm ở Việt Nam, trong phạm vi bài viết này, xin chỉ tập trung nghiên cứu, trao đổi ba vấn đề trọng tâm, sau dây.
Một là, nguồn gốc và loại hình tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Chăm;
Hai là, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng đồng bào Chăm;
Ba la, ảnh hưởng của tín ngưỡng Islam trong cộng đồng cư dân Chăm.
Tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Chăm là niền tin vào những thần linh (Pô Yang). Với niềm tin vào tín ngưỡng đa thần, người Chăm quan niệm thiên nhiên và mọi vật thể xung quanh con người đều có linh hồn - tất cả đều có linh hồn và luôn luôn có mối quan hệ với con người. Hơn nữa, người Chăm coi cuộc sống sau khi chết “thế giới bên kia” mới là nơi linh hồn tồn tại mãi mãi. Vì vậy, trong cuộc sống họ luôn tôn thờ đấng tạo ra vũ trụ. Đấng ấy, được người Chăm gọi là ông Trời (Pô Yang Hit). Ngoài Pô Yang hit, họ còn có phong tục tin thờ hệ thống Pô Yang và các lễ hội truyền thống cổ khác.
Ngoài sự tin thờ các Pô Yang như đã nói trên đây, trong cuộc sống của mình đồng bào Chăm luôn luôn gắn bó với các thần linh và linh hồn của những người trong họ tộc đã chết. Bởi thế việc tín ngưỡng thần linh và thờ cúng ông bà, tổ tiên của người Chăm được xem là một tập tục, truyền thống đạo đức chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng.
Từ ngàn xưa, cộng đồng cư dân Chăm vốn đã gắn bó với tín ngưỡng đa thần, nên họ quan niệm rằng trong cuộc sống hàng ngày của các Pô Yang không chỉ có mối quan hệ với con người, mà còn tác động, chi phối toàn bộ sinh hoạt của con người. Vì vậy, trong cuộc sống họ luôn luôn có niềm tin - con người muốn được các Po Yang phù hộ và che chở thì phải biết tin thờ các thần linh, nếu không tin thờ mà ngược lại làm “trái ý” các thần linh, thì con người ắt sẽ bị các thần linh trừng phạt. Từ nhận thức và quan niệm đó, nên trong cuộc sống thường ngày người Chăm thường khấn lễ, cầu xin sự cứu độ và che chở các thần linh, nhất là những lúc con người gặp hoạn nạn hoặc tai ương trong cuộc sống. Điều đó cho thấy tín ngưỡng thần linh nó phản ảnh sự hòa đồng giữa con người - thiên nhiên - thần linh và nó ràng buộc con người luôn luôn quan hệ với thần linh. Từ mối quan hệ “giao cảm” này, cũng có thể hiểu rằng tín ngưỡng thần linh cũng thuộc phạm trù tôn giáo, vì cả hai đều phản ảnh niềm tin vào thế giới siêu nhiên.
Tín ngưỡng , tôn giáo của cộng đồng đồng bào Chăm
Khi nói về tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc này, nhiều người trong chúng ta xác nhận rằng: tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng cư dân Chăm có một sắc thái riêng, rất đa dạng và phong phú, ngoài sự kết hợp hài hòa giữa Ấn Độ giáo với tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống mang tính bản địa của dân tộc Chăm, theo đó tính vượt trội của yếu tố dân tộc bao giờ cũng lớn hơn và mang tính bền vững hơn trong đời sống - xã hội của cộng đồng.
Như đã nói, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng cư dân Chăm có một sắc thái riêng, theo đó tính vượt trội của yếu tố dân tộc bao giờ cũng lớn hơn. Tuy nhiên, một vấn đề khác nữa là nét đặc thù của dân tộc này còn có một đặc điểm mang tính nguồn gốc, được phỏng theo yếu tố tôn giáo mà xã hội loài người đã chia cộng đồng dân tộc Chăm thành bốn nhóm tín ngưỡng - tôn giáo khác nhau.
Nhóm thứ nhất, là tín ngưỡng - tôn giáo bản địa cổ Bà la môn, còn gọi là Bà Chăm. Nhóm này, cư trú ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, thuộc vùng cực Nam Trung Bộ, với khoảng 46.000 người;
Nhóm thứ hai, là Chăm Bàni, còn gọi là đạo Bàni hoặc Hồi giáo Bàni. Nhóm này, hiện cư trú tại ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Phước, với khoảng 39.500 người;
Nhóm thứ ba, là người Chăm theo tín ngưỡng Islam, gọi là Chăm Islam hoặc Hồi giáo Islam (đạo Islam). Nhóm này, hiện cư trú ở khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, bao gồm các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang và tập trung chủ yếu ở tỉnh An Giang, với khoảng 25.700 người - trong đó An Giang là 12.700 người;
Nhóm thứ tư, là cộng đồng người Chăm không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào, còn gọi là Chăm Roi. Cư ngụ ở các tỉnh: Phú Yên, Bình Định và Đắc Lắc, với khoảng 18.400 người.