Độc đáo nét văn hóa của dân tộc Lự

Tran Anh Khoa
02 Jan 2025
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

- Người Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Tính đến nay, người Lự trong cả nước có trên 6.700 người. Tại Lai Châu, người Lự cư trú tập trung chủ yếu hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ. Trải qua thời gian, dân tộc Lự vẫn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Khi đến các bản của đồng bào dân tộc Lự, hình ảnh ấn tượng với du khách là đường chính dẫn vào các bản cũng như đến các gia đình đều được đổ bê tông sạch sẽ, nhiều loại cây xanh, cây ăn quả được trồng trong vườn. Trong không gian của nhà sàn - ngôi nhà chính của đồng bào dân tộc Lự sạch sẽ, gọn gàng. Qua tìm hiểu được biết, các gia đình đồng bào dân tộc Lự sống tập trung thành từng bản làng. Nhà sàn của người Lự chỉ có một cầu thang lên xuống, hướng cầu thang lên nhà được làm từ phía sau nhà với mục đích tránh làn gió độc và tránh tà ma vào nhà. Cuộc sống thường nhật của người Lự gắn liền với canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ. Ngoài thời gian lao động sản xuất, những lúc nông nhàn phụ nữ dân tộc Lự thường quây quần thêu thùa, dệt vải. Hầu hết các gia đình người Lự đều có khung dệt vải và các công cụ se sợi, quay sợi dệt vải. Người con gái dân tộc Lự trước khi lấy chồng phải thành thạo việc thêu thùa, dệt vải để tự may đồ cho mọi người trong gia đình. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại như: váy, áo, khăn, túi…

Nét nổi bật, đặc sắc trong văn hóa truyền thống của dân tộc Lự đó bộ trang phục. Trang phục của dân tộc Lự hết sức ấn tượng bởi được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ với những họa tiết hoa văn hết sức tinh xảo, độc đáo. Trang phục của người phụ nữ, áo mà chàm, xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Trong ngày thường, phụ nữ Lự mặc váy chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện cho công việc. Vào dịp lễ hội, Tết hoặc khi gia đình có khách quý, người phụ nữ mặc váy hai lớp với hoa văn 3 tầng trang trí, phần trên được dệt với những họa tiết hình quả trám, phần dưới là vải chàm đen, phần gấu váy có điểm thêm màu khác trông rất đẹp mắt. Cùng với trang phục là các loại trang sức, phụ nữ dân tộc Lự đeo trang sức là vòng cổ, vòng tay được làm từ bạc, nhôm hoặc đồng. Ngoài ra,còn có một loại vòng gọi là vòng vía được làm bằng các sợi chỉ chàm để đeo tay mang ý nghĩa tránh gió, tránh những điều không may. Đối với phụ nữ Lự cũng có đeo hoa tai là các dạng ống có sợi chỉ xiên qua để treo các chúm bông sặc sỡ. Chiếc khăn đội đầu cũng là vật không thể thiếu của người phụ nữ Lự, khi đội khăn cuốn nghiêng về phía trái để lộ mặt trước với những đường viền thêu hoa văn màu trắng, kẻ sọc. Nét đáng chú ý, trang phục của người phụ nữ kết hợp cùng đồ trang sức, khăn đội đầu càng làm tăng thêm vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của các cô gái dân tộc Lự.

Khác với trang phục phụ nữ, trang phục của nam giới đơn giản hơn với quần áo được nhuộm chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt trước và một túi ở ngực trái. Trước đây, nam giới người Lự đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng nhưng giờ đây họ ít khi đội khăn. Ngoài sự độc đáo thể hiện trang phục, đồ trang sức thi chiếc túi đeo là một sản phẩm rất có giá trị cả về thẩm mỹ và giá trị truyền thống. Túi có nhiều kích cỡ khác nhau, trang trí bằng các họa tiết hoa văn, các nhúm bông với nhiều màu sắc rực rỡ. Bên cạnh nghề dệt gắn với người phụ nữ, đối với nam giới có nghề mộc, nghề rèn, đan lát các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, mỗi vật dụng đan lát đều rất đẹp, tinh xảo như giỏ đựng đồ, hom bắt cá…

Có một nét riêng đối với phụ nữ dân tộc Lự trong việc làm đẹp là tục nhuộm răng đen có điểm xuyết một hai chiếc răng bằng vàng giả. Trước đây, có quy định con gái từ 13-14 tuổi trở lên đều phải nhuộm răng đen với ý nghĩa làm cho răng chắc và thể hiện nét đẹp của người con gái. Để có một bộ răng đen bóng, người Lự phải lên rừng lấy cây mẹt, cây xuyến về phơi khô rồi đốt. Sau đó, lấy ống tre thủng hai đầu chụp làn khói rồi hơ răng vào đầu ống tre phía trên, việc nhuộm răng thường được thực hiện sau khi ăn cơm tối. Ngày nay, lớp trẻ ít người còn nhuộm răng đen.

Đối với dân tộc Lự, có một nét độc đáo cũng phải kể tới là văn hóa, văn nghệ. Nổi bật, dân ca của người Lự rất phong phú và đa dạng, được sáng tác trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất với nét đặc trưng. Dân ca của người Lự khỏe khoắn, trữ tình, đằm thắm được chia thành nhiều thể loại, ứng với từng hoàn cảnh cụ thể trong đời sống, như: Hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đối đáp… Khi biểu diễn, đồng bào thường sử dụng nhạc cụ truyền thống như trống, chiêng, sáo đôi. Đến nay, những nhạc cụ này đã bị mai một đi nhiều. Đáng chú ý, các làn điệu dân ca này như một động lực, một sức mạnh thúc đẩy sự say mê, phấn khởi trong lao động sản xuất, trong vui chơi giải trí, tạo sự đoàn kết, kết nối trong cuộc sống của cộng đồng. Bên cạnh biểu diễn văn nghệ, đối với đồng bào dân tộc Lự còn bảo tồn các tín ngưỡng, nghi lễ trong thờ thần rừng. Tiêu biểu là Lễ cúng rừng được tổ chức vào tháng 3 và tháng 6 âm lịch hàng năm để cầu mong các vị thần linh che chở cho bản làng, nhà nhà được ấm no, mùa màng, vật nuôi phát triển. Ngoài ra, đồng bào Lự vẫn bảo tồn, duy trì các trò chơi truyền thống hết sức phong phú, đặc sắc như: ném còn, đánh cầu lông gà, đánh khăng, chơi quay, hát giao duyên giữa nam và nữ… trong dịp Lễ, Tết.

Ông Lê Ngọc Đoàn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Pu Lai Châu (Laichau Travel) cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lai Châu, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao đã có nhiều đổi thay, nhiều bản của đồng bào các dân tộc trong đó một số bản của người Lự, tiêu biểu như bản Thắm, huyện Tam Đường đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút du khách. Đến đây du khách được tận hưởng không khí trong lành, được khám phá, trải nghiệm nét văn hóa, phong tục tập quán, thưởng thức nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc. Chính sự chân tình, mến khách của người dân nơi đây cùng với những dấu ấn văn hóa sẽ để lại dấu ấn khó quên đối với du khách./.