Gìn giữ những nét văn hóa của đồng bào dân tộc La Ha

Tran Anh Khoa
30 Dec 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Huyện Mường La (Sơn La) có gần 5.000 người La Ha, sinh sống tại 18 bản thuộc 10 xã trên địa bàn. Đồng bào dân tộc La Ha có nhiều nét văn hóa dân gian đặc sắc, đa dạng từ các điệu múa, dân ca đến các nghi lễ mang bản sắc riêng biệt.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người La Ha
Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha (Mường La, Sơn La), là nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo được tổ chức để cầu cho mùa màng tươi tốt, con người có sức khỏe, cầu may mắn cho dân bản và bày tỏ lòng cảm tạ thần linh, cùng các thầy lang có công bảo vệ dân bản. Vào cuối tháng 3, hoặc đầu tháng 4 dương lịch hằng năm cũng là lúc đồng bào dân tộc La Ha bắt đầu tổ chức lễ hội Pang A.

Tổ chức lễ hội Pang A, theo những người có uy tín trong cộng đồng người La Ha, người La Ha quan niệm con người có hồn vía, khi hồn vía bị lưu lạc con người sẽ ốm đau, bệnh tật, vì vậy phải nhờ thầy cúng gọi hồn về. Để cảm tạ, người bệnh nhận thầy cúng làm cha nuôi. Hằng năm hoặc vài năm một lần, tùy vào điều kiện gia đình, thầy cúng sẽ tổ chức lễ, mời các thần linh về dự phù hộ cho các con nuôi, dân bản khỏe mạnh, cho mọi loại bệnh đều được chữa khỏi.

Không chỉ có những nét văn hóa về lễ hội, một điểm độc đáo khác là các đạo cụ, nhạc cụ của người La Ha thường được làm từ các loại cây gần gũi, gắn bó với đời sống hằng ngày, như tre, nứa; đơn giản, dễ làm; khi nhảy, múa tạo ra âm thanh vui nhộn. Nhạc cụ, đạo cụ được sử dụng trong các điệu múa của người La Ha, như: “tăng bu”, “hưn mạy”, "sừng lừng" gắn với những quan niệm, tín ngưỡng đặc trưng riêng.

Ẩm thực của dân tộc La Ha cũng rất đặc sắc, các món ăn được làm từ những nguyên liệu là ngô và gạo nếp, các loại rau, củ, hoa rừng… Đặc biệt, người La Ha có rượu là đồ uống được đồng bào ưa chuộng, nhất là trong các dịp tiếp khách, lễ hội, cưới xin, ma chay. Gia đình nào cũng ủ sẵn vài chum rượu cần trong nhà để mời khách, dùng trong dịp lễ, tết.

Bản Kẻ xã Ngọc Chiến (Mương La, Sơn La) có 74 hộ với 340 nhân khẩu, trong đó, dân tộc La Ha có hơn 200 nhân khẩu, chiếm 63,23%. Phát huy nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người La Ha, nhân dân trong bản đã đoàn kết thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc La Ha đến du khách.

Ông Lò Văn Luốn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Kẻ, xã Ngọc Chiến, cho biết: Văn hóa rượu cần của người La Ha rất độc đáo, chính vì vậy “Khu chum đá lẩu xá” của bản được tạo nên lấy cảm hứng từ chum rượu cần, đây là điểm nhấn, nhận diện của bản Kẻ, nơi có cộng đồng người La Ha sinh sống. Ngoài khu chum đá lẩu xá, trước cổng mỗi gia đình cũng đều đặt chum đá, tạo nên nét độc đáo riêng biệt, thu hút rất nhiều người đến tham quan. Ngoài ra, bản còn duy trì nghi lễ Pang A trong mỗi gia đình người La Ha được thực hiện mỗi khi xuân về; truyền khẩu tiếng dân tộc mình cho các thế hệ con cháu.

Nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc La Ha
Tại huyện Mường La (Sơn La), cộng đồng người La Ha đang sinh sống tại 18 bản thuộc 10 xã trên địa bàn huyện, với gần 5.000 người. Bản của người La Ha có quy mô nhỏ, thường ở vùng thấp, chủ yếu dọc sông Đà và một số con suối lớn, xen kẽ với một số dân tộc khác.

Thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn, huyện Mường La đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, chính sách đặc thù bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó, có dân tộc La Ha.

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cho biết: Huyện đã triển khai, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương, khôi phục, duy trì và phát huy các nét đẹp văn hóa của các lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc La Ha, như lễ hội Pang A… Đồng thời, triển khai chính sách ưu đãi đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc, khảo tả, phục dựng lễ hội; động viên, khuyến khích bà con bảo tồn, duy trì tiếng nói và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong văn hóa qua việc tổ chức học tiếng bằng cách truyền khẩu, giao tiếp hằng ngày.

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha đang được các cấp, các ngành và địa phương nơi có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống, quan tâm thực hiện. Trong thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục triển khai việc bảo tồn nét văn hóa dân gian của dân tộc La Ha, phục hồi những bản sắc đang dần bị mai một, góp phần làm phong phú kho tàng bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La.