Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh

Tran Anh Khoa
05 Nov 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Trà Vinh là nơi cộng cư của 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Với những nét đặc trưng riêng biệt, nổi trội, sự đa dạng và khác biệt của văn hóa 03 tộc người này là rất rõ. Tuy nhiên, xuyên qua thời gian, các mối quan hệ xã hội của cư dân 03 tộc người đã tạo nên một diện mạo văn hóa đặc sắc, thể hiện sự đan xen của các mảng màu văn hóa. Trong diện mạo văn hóa dân gian Trà Vinh, có thể thấy một nét khác biệt so với bức tranh văn hóa của các tỉnh, thành Tây Nam Bộ khác ở nét đậm của văn hóa đồng bào Khmer.

Trong công trình Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh (NXB Văn hóa - Thông tin, 2012), tác giả Trần Dũng và Đặng Tấn Đức cũng đã trình bày những vấn đề chung về diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh qua 04 chương.

Chương một, các tác gải đã khái quát về tín ngưỡng và lễ hội dân gian của người Việt ở Trà Vinh. Chương hai là tín ngưỡng và lễ hội dân gian của người Hoa ở Trà Vinh. Chương ba là tín ngưỡng và lễ hội dân gian của người Khmer ở Trà Vinh.

Từ 03 chương có tính chất nền tảng này các tác giả đã vận dụng để nghiên cứu trường hợp cụ thể là Văn hóa dân gian làng ven biển Mỹ Long (thuộc huyện Cầu Ngang - Trà Vinh). Trong 03 chương này, các tác giả đã trình bày cô đọng, súc tích về những nét đại thể của văn hóa dân gian của 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa như: tín ngưỡng thờ thành hoàng và Lễ hội đình, tín ngưỡng thờ mẫu và Lễ hội miễu, tín ngưỡng thờ cá voi và lễ hội nghinh Ông của người Kinh ở Trà Vinh; tín ngưỡng thờ ông Bổn và Lễ hội Vu Lan thắng hội, tín ngưỡng thờ ông Bảo và Lễ hội Nguyên Tiêu thắng hội của người Hoa ở Trà Vinh và tín ngưỡng thờ Neakta và Lễ hội Thala, tín ngưỡng thờ Ảrặk và Lễ hội "xây Ảrặk", tín ngưỡng thờ thần Mặt trăng và Lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer ở Trà Vinh…

Với phần hai và phần ba, các tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu Văn hóa dân gian làng ven biển Mỹ Long và Lễ hội cúng biển Mỹ Long trên nhiều bình diện như: kiến họ và văn hóa kiến họ, các làng nghề truyền thống và sản vật chủ yếu, các di tích lịch sử văn hóa, địa danh, tín ngưỡng và lễ hội, nhân vật tiêu biểu, văn học dân gian, ẩm thực đna gian, Nguồn gốc và lễ hội cúng biển Mỹ Long, Miễu bà chúa Xứ, Tổ chức lễ hội chúa miễu và lai lịch các thần, lễ hội cúng biến Mỹ Long…

Ngoài hệ thống tư liệu phong phú được tham khảo trên nhiều nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy, các tác giả còn thực hiện công tác điền dã và có nhiều ảnh chụp tư liệu quý giá, hệ thống hình vẽ, sơ đồ bày trí thờ phượng trong Miễu bà chúa Xứ, hệ thống văn bản chữ Hán được đưa vào công trình kèm theo bản dịch quốc ngữ… nhằm củng cố thêm những luận chứng khoa học được trình bày trong công trình.

Công trình Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc nhận diện những đặc trưng văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh, từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho những định hướng giữ gìn và phát triển vốn văn văn hóa dân gian giàu bản sắc ở Trà Vinh trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đồng thời đóng góp tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Trà Vinh xưa và nay.