- Dân tộc Chơ Ro (hay còn gọi là Châu Ro, Dơ Ro, Chro) là dân tộc ít người cư trú lâu đời ở vùng núi thấp thuộc Tây Nam và Đông Nam tỉnh Ðồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một ít ven quốc lộ 15 (theo Thống kê điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân tộc Chơ Ro có 29,520 người). Đồng bào Chơ Ro có những phong tục, lễ hội riêng, mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó, Lễ hội Mừng lúa mới và Lễ cúng Thần Rừng là hai lễ hội lớn nhất năm.
Theo quan niệm của người Chơ Ro, con người cùng các sự vật (đất, đá, cây cối, sông suối, núi rừng..) và các hiện tượng (mưa, gió, sấm chớp..) đều có linh hồn và có các vị thần ngự trị, chi phối, tác động đến đời sống con người. Trong số các vị thần đó thì Thần Lúa và Thần Rừng có vị trí quan trọng đặc biệt. Thần Lúa tượng trưng cho no ấm, Thần Rừng tượng trưng cho sức mạnh. Tín ngưỡng thờ Thần Lúa, Thần Rừng và lễ cúng Thần Lúa, Thần Rừng đã trở thành hai lễ hội quan trọng nhất. Theo ngôn ngữ của người Chơ Ro, lễ cúng Thần Lúa là Ôp Yang Va, lễ cúng Thần Rừng là Ôp Yang Vri.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có đông đồng bào Chơ Ro sinh sống với hơn 8.000 người, sinh sống tập trung tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ. Đồng bào dân tộc Chơ Ro lưu giữ những phong tục, lễ hội riêng, mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, qua thời gian, hiện chỉ còn một số nơi duy trì các lễ hội dân gian, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… Để bảo tồn văn hóa dân gian của tộc người Chơ Ro, Sở Khoa học - Công nghệ và Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã quyết tâm phục dựng văn hóa Chơ Ro thông qua Đề tài “Nghiên cứu, phục dựng và phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu”.
Nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro (Bà Rịa - Vũng Tàu) đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các lễ nghi, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, đám cưới, đám tang, diễn xướng dân gian... của gia đình, tộc họ và cộng đồng dân tộc Chơ Ro; nhất là trong sinh hoạt cộng đồng. Để phục dựng văn hóa Chơ Ro, tỉnh đã tiến hành khảo sát, thu thập, bổ sung nguồn tư liệu về các điệu múa, điệu hát và nghi lễ trong dân gian nhằm phục dựng và bảo tồn nguyên bản nghệ thuật diễn xướng của Lễ hội Sayangva - Mừng lúa mới, một trong những lễ hội lớn nhất của người Chơ Ro.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 16.169 người Chơ Ro, chiếm 8,55% dân số toàn tỉnh, đứng thứ 4 trong gần 40 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Đồng bào Chơ Ro sinh sống tập trung chủ yếu tại ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu; xã Túc Trưng huyện Định Quán; các xã: Bảo Vinh, Bảo Quang, Hàng Gòn, thị xã Long Khánh; các xã: Xuân Trường, Xuân Phú, Xuân Thọ huyện Xuân Lộc; xã Phước Bình (huyện Long Thành), xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất).
Người Chơ Ro ở Đồng Nai thờ đa thần. Họ tin mọi vật đều có “hồn” và các “thần linh” chi phối vô hình đối với con người, khiến con người phải kiêng kỵ và cúng tế. Yang bri (Thần Rừng) được xem là vị thần tối cao. Đó chính là lý do mà người Chơ Ro có các kiêng kỵ và các lễ cúng tế. Trong một dòng họ thường có một hoặc hai thầy bóng. Người làm nghề thầy bóng chủ yếu là nữ.
Từ xưa, để tiếp xúc và khẩn cầu đến thần linh, con người đã từng bước hình thành các nghi lễ vừa mang tính dân gian vừa mang yếu tố tôn giáo. Hàng năm, người Chơ Ro thường tổ chức cúng Thần Lúa (SaYangva); cúng Thần Rừng, Lễ cầu mưa, dựng cây nêu… Các nghi lễ trong chu kỳ vòng đời được tính đến là các nghi lễ của một con người từ khi sinh ra đến khi chết.
Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Đồng Nai, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khôi phục các lễ hội, di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần đồng bào dân tộc. Gần đây nhất là năm 2022, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức luyện tập cồng chiêng, tái hiện các nghi lễ truyền thống trong lễ hội Sayangva (Mừng lúa mới) của đồng bào Chơ Ro ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán) để tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ 3 - 2022 tại Kon Tum. Việc tổ chức đoàn tham gia Liên hoan là hoạt động văn hóa có ý nghĩa to lớn, không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của tỉnh, mà còn góp phần quảng bá, kết nối và phát triển du lịch tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Câu chuyện giữ gìn bản sắc dân tộc Chơ Ro còn phải kể đến một số nơi như Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh (huyện Châu Đức), Nhà văn hóa dân tộc ấp 1 (xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc); Nhà văn hóa dân tộc ấp Bàu Hàm (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc); Nhà Tân Thuận (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) thường xuyên tổ chức những lễ hội truyền thống hàng năm nhằm nỗ lực lưu giữ, bảo tồn văn hóa Chơ Ro. Từ năm 2001, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh thành lập CLB Múa dân tộc cho học sinh. CLB không chỉ biểu diễn trong trường mà còn tham gia biểu diễn trong Lễ hội của người Chơ Ro; lễ, tết của huyện Châu Đức, thị xã Phú Mỹ; Festival hội thi văn hóa thể thao…
Cùng với sự quan tâm của chính quyền tỉnh, các nghệ nhân Chơ Ro vẫn luôn dành tâm huyết truyền dạy cho thế hệ sau những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, từ trang phục, ngôi nhà sàn truyền thống, cho đến các lễ hội cúng Thần Rừng, Thần Lúa hay các nhạc cụ, nhạc khí, các bài ca, điệu múa dân gian để văn hóa Chơ Ro mãi được trường tồn… Các nghệ nhân tại thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức đã sưu tầm, lưu giữ các điệu múa, cách đánh chiêng, làm đàn tre… của người Chơ Ro để truyền dạy cho học sinh.
Đặc biệt, trong kế hoạch thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các tỉnh xây dựng kế hoạch Bảo tồn Lễ hội cúng Thần Lúa (Yang va), Lễ hội cúng Thần Rừng (Yang vri) của dân tộc Chơ Ro; Tổ chức tuyên truyền, quảng bá văn hóa, nghệ thuật dân gian Chơ Ro; Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc Chơ Ro kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng. Bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác để tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc thiểu số.
Việc tổ chức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Chơ Ro nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong giữ gìn bắn sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời khai thác và xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc.
Lễ cúng Thần Lúa
Lễ hội Sa Yang Va được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những nghi lễ truyền thống của đồng bào Chơ Ro. Trong nghi lễ này, đồng bào Chơ Ro sẽ dâng lễ vật gồm: Bánh ống, bánh cắp, bánh dầy, heo, gà, rượu… để cầu mong sự ấm áp bình an trong gia đình, cầu cho mùa màng bội thu và rước Thần lúa về nhà. Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động như: giao lưu văn nghệ, tham gia các môn thể thao dân tộc, ẩm thực, đốt lửa trại truyền thống…
Khi tổ chức cúng Sa Yang Va người Chơ Rothường làm một cây nêu đặt trước sân nhà sàn – nhà có bàn thờ nhang chính, diễn ra lễ cúng đồng thời khoảng sân để tổ chức đốt lửa và sinh hoạt cộng đồng khi đêm xuống.
Lễ cúng Thần Rừng
Lễ hội Ốp Yang Vri tuy không tổ chức định kỳ hàng năm, nhưng cũng là lễ hội lớn đối với người Chơ Ro. Cứ ba năm Lễ cúng Thần Rừng tổ chức một lần, lễ hội cũng diễn ra vào thời điểm sau thu hoạch. Khác với lễ Ốp Yang Va diễn ra trong từng nhà, lễ Ốp Yang Vri được thực hiện ở ngoài trời, dưới một gốc cây cổ thụ được già làng chọn làm nơi linh thiêng để thực hiện lễ cúng. Vật phẩm dâng cúng do dân trong buôn làng tự nguyện đóng góp. Sau lễ tế thần được bày ra để dân trong buôn cùng nhau ăn uống, ca hát kết hợp vui chơi, hát huê tình, kể sử thi. Theo tập tục, cuối buổi lễ, người dân kết một chiếc thuyền bằng bẹ chuối, trên đó đặt các thức cúng, do hai con rùa kéo để đưa tiễn thần linh.