Tín ngưỡng phồn thực ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Tran Anh Khoa
16 Dec 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Tóm tắt

Đi qua dải đất miền trung đầy nắng gió, chúng ta thấy sừng sững những ngôi đền tháp Chăm đang thách thức với thời gian và Tháp Bà Ponagar Nha Trang là một trong những quần thể tháp Chăm còn lại lớn nhất hiện nay. Tháp thờ nữ thần Mẹ xứ sở - Pô Inư Nagar vị nữ thần cao quý nhất của dân tộc Chăm, được tọa lạc trên đồi Cù Lao nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông Cái. Cả khu tháp toát lên sự huyền bí, trầm mặc như đang chuyên chở cả một nền văn hóa Chăm xưa. Đó là lối kiến trúc đầy kỳ bí vượt tầm thời đại, là những tác phẩm điêu khắc tinh xảo đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thẩm mỹ và những giá trị văn hóa dân gian đầy màu sắc về lễ hội, tín ngưỡng, trong đó tín ngưỡng phồn thực được phản ánh qua nhiều khía cạnh.

Từ khóa: Đại học Khánh Hòa, tín ngưỡng phồn thực, Tháp bà Ponagar

1. Đặt vấn đề

Từ thời xa xưa con người luôn sợ hại trước sức mạnh của tự nhiên, sự thần bí của vũ trụ cho nên tôn giáo cũng như tín ngưỡng đã xuất hiện. Tín ngưỡng được xem là dạng nhận thức đặc biệt dựa trên trực giác, tạo cho con người niềm tin có tính thiêng liêng. Và chính trong niềm tin đó con người đã tạo ra thế giới vô hình, những siêu linh và rồi chính các vị thần, các đấng siêu linh này lại có thể chi phối, tác động tới đời sống trần tục trong quan điểm, tâm thức của con người. Và Cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á cổ đại khác, tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hóa của người Chăm được biểu hiện ở nhiều hình thức từ thờ các biểu tượng, kiến trúc, điêu khắc, tục thờ đá, tín ngưỡng thờ Nữ thần, lễ hội đến nghi lễ vòng đời. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ nghiên cứu, tìm hiểu tín ngưỡng phồn thực tại quần thể Tháp Bà Ponagar Nha Trang qua tục thờ sinh thực khí, kiến trúc, điêu khắc và tục thờ Nữ thần.



2. Nội dung

2.1. Thờ sinh thực khí



Ở các nước có nền nông nghiệp lúa nước như Đông Nam Á, việc thờ sinh thực khí luôn phổ biến, được xem là biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra muôn loài. Bởi với người dân làm nông nghiệp, họ quan niệm việc thờ sinh thực khí sẽ đem lại sự sinh sôi nảy nở, tốt tươi cho cây cối, hoa màu giúp mùa màng bội thu. Và sinh thực khí được biểu hiện qua các biểu tượng như linga yoni, nõ nường, chày cối. Trong văn hóa Chăm, linga và yoni xuất hiện rất phổ biến, đa dạng về hình dáng, kích thước và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Theo quan niệm của người Chăm, linga và yoni chính là biểu hiện hai mặt âm dương của vũ trụ thể hiện sự sinh tồn của loài người, là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo.

Tại quần thể Tháp Bà Ponagar, trong lòng bốn tháp đều thờ biểu tượng linga - yoni. Trên mỗi bệ yoni lại được thể hiện một linga, chúng tạo thành một khối thống nhất thể hiện sự kết hợp hài hòa âm dương làm cho mọi vật được sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, tạo hóa được tái sinh. Linga được thờ trong các tháp có cả linga một thành phần và linga hai thành phần (trong văn hóa Chăm hiện có ba linga tiêu biểu sau: thứ nhất linga chỉ có một thành phần là khối trụ tròn, đây là loại linga phổ biến nhất. Thứ hai là loại linga có hai thành phần, phần trên là hình trụ tròn được kết hợp với hình khối vuông ở dưới. Loại linga thứ ba thì ngoài phần trụ tròn ở trên và hình khối vuông ở dưới còn có một đoạn hình bát giác ở giữa). Còn yoni trong tháp là loại yoni hình vuông có khe (biểu tượng yoni trong tín ngưỡng phồn thực của người Chăm cũng rất đa dạng từ khối hình vuông, hình khối tròn và có cả khối hình chữ nhật nhưng loại này thì ít hơn)

Đặc biệt là trong lòng tháp chính tượng Nữ thần Pô Inư Nagar được tạc bằng đá hoa cương màu đen nguyên khối, trong tư thế ngồi uy nghiêm trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn hình lá đề. Với bố cục như trên thì linga chính là tượng thờ còn yoni là bệ thờ đã tạo nên một bộ linga - yoni hoàn chỉnh, là vật thể linh thiêng của dân tộc Chăm. Đây là kiệt tác tiêu biểu cho biểu tượng linga được thay thế bằng hình ảnh vị thần ngôi trên bệ yoni trong văn hóa Chăm.

Bên cạnh các linga - yoni được thờ trong các lòng tháp thì còn một số linga, yoni được đặt trong phòng trưng bày phía sau của quần thể tháp Bà. Trong phòng trưng bày còn có linga đơn một thành phần được gắn cánh hoa sen và hình ảnh bầu ngực, điều này thể hiện sự tôn trọng bầu ngực phụ nữ, biểu tượng của sự nuôi nấng, sinh trưởng và tái sinh. Hay tượng thần Shiva trong thế ngồi uy nghiêm tay cầm linga.

Như vậy, biểu tượng linga - yoni tại quần thể tháp Bà ponagar rất phong phú về số lượng, đa dạng về hình thức biểu hiện đã thể hiện ước muốn của con người về cuộc sống tốt đẹp, cây trồng tốt tươi, vạn vật được khởi sinh trong chu kỳ hủy diệt cái cũ tái sinh cái mới. Linga - yoni còn được đặt thờ trong lòng tháp uy nghiêm đã phản ánh đậm nét tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa Chăm.

2.2. Biểu hiện qua kiến trúc

Có thể nói rằng, kiến trúc là lĩnh vực nổi bật nhất trong hệ thống di sản văn hóa vật thể của dân tộc Chăm. Và từ xưa tới nay đền tháp luôn đóng vai trò quan trọng trong tâm thức và đời sống văn hóa của cư dân Chăm. Nó không chỉ là nơi thờ tự tôn giáo mà còn mang ý nghĩa tâm linh, là nơi gửi gắm những ước vọng của người dân qua niềm tin tín ngưỡng - đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực. Các quần thể tháp Chăm được xây dựng ở những thời kỳ khác nhau nên tùy vào quan điểm thẩm mỹ cũng như sự hưng thịnh của triều đại mà có quy mô, số lượng tháp trong từng quần thể khác nhau. Tuy nhiên về mặt kiến trúc kiến tạo các ngôi tháp đặc biệt là tháp chính dường như không khác nhau và thể hiện tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Chăm rất rõ nét. Cũng như các quần thể tháp Chăm khác, tháp Bà Ponagar có tháp Chính được xây dựng theo dạng hình núi ngoài ý nghĩa tượng trưng cho ngọn núi Meru - trung tâm vũ trụ nơi ngự trị của các vị thần trong thần thoại Ấn Độ thì còn là biểu tượng của linga (dương) và bệ tháp hình vuông biểu tượng của yoni (âm). Âm dương kết hợp với nhau tạo nên sự vững chãi, cân đối, hài hòa. Tại tháp Bà, tháp Chính có bốn tầng cấu trúc như nhau, mỗi tầng càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một linga trên trên nóc tháp. Bên cạnh đó trên đỉnh tháp Giữa thờ Gri Cambhu - một hóa thân của thần Shiva (và theo Việt hóa là hoàng tử Bắc Hải - chồng bà) cũng được kết thúc bởi một linga đặt trên bệ yoni tròn. Chúng ta có thể thấy rằng cấu trúc của tháp đã chứa đựng một triết lý thâm sâu. Nền và móng tháp là hình khối vuông, biểu thị cho sự vững chãi, tịnh tại, ổn định (thuộc âm) và linga được đặt trên nóc tháp thuộc dương. Như vậy linga được đặt trên yoni tạo nên sự giao hòa âm dương trong sự xoay vần vũ trụ làm cho sự sống được tái sinh.

2.3. Tín ngưỡng thờ nữ thần

Xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước nên các dân tộc anh em cùng nhau sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam rất xem trọng người phụ nữ. Hiện nay một số dân tộc không hoặc ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như dân tộc Chăm, Ê đê, Bana, Giarai, Raglai vẫn tiếp tục theo chế độ mẫu hệ. Do đó người phụ nữ sẽ chủ động trong hôn nhân, chồng về ở nhà vợ, con cái theo họ mẹ, người vợ luôn có tiếng nói lớn nhất trong gia đình. Vì có truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ luôn được đề cao nên việc thờ Mẫu, thờ nữ thần của các dân tộc cũng là điều dễ hiểu. Nhưng điều chúng ta muốn tìm hiểu, nghiên cứu ở đây chính là mối liên hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng phồn thực.

Trong văn hóa Chăm, Pô Inư Nagar được coi là mẹ thần xứ sở và được thờ trong đền, tháp. Khi người Việt di cư về phương Nam tiếp thu văn hóa người Chăm đã gọi Bà là Thánh mẫu Thiên Y Ana và tháp Chính của quần thể tháp Bà Ponagar chính là ngôi tháp thờ Bà. Và ước vọng phồn thực được thể hiện rất rõ trong quan niệm thờ cúng, lễ hội tôn vinh Nữ thần. Theo truyền thuyết của người Chăm, Pô Inư Nagar là nữ thần được trời cử xuống trần gian dạy người Chăm trồng lúa, dệt vải, làm thủy lợi, sinh ra hoa Chămpa và trầm hương - loài hoa và gỗ quý của xứ Kauthara xưa. Và người dân cũng tương truyền Nữ thần có tới 97 ông chồng và 38 người con gái đều được cho là các vị thần đã dạy cho phụ nữ cách sinh đẻ, chữa bệnh hiếm muộn. Vì thế nhiều người hiếm muộn con hoặc sinh đẻ khó đã tới cầu nguyện mong Mẹ thần xứ sở ban phước lành cho “mẹ tròn con vuông”, vợ chồng có con cái. Và trong lễ tắm tượng Bà, những người được phép tắm tượng sẽ lấy nước tắm cho Bà, cho linga - yoni xoa lên mặt lên người để cầu sức khỏe, cuộc sống sung túc. Và người dân cũng xin nước tắm tượng để tắm cho trẻ con hay phẩy lên ghe thuyền cầu mong cho trẻ khỏe mạnh, chóng lớn, ghe thuyền ra khơi thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang. Đây chính là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sức khỏe, thỏa mãn mong muốn về con cái, cuộc sống sung túc, đủ đầy, vạn vật được sinh sôi. Ngoài ra tín ngưỡng phồn thực còn được thể hiện rất rõ trong lời hát về nữ thần Pô Inư Nưgar nhằm ca ngợi công lao của thần và cầu thần phù hộ cho cuộc sống sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu: “Thần là nữ thần xứ sở vĩ đại, thần sinh ra đất nước, con người/Thần mẹ cho trần gian cuộc sống/Thần cho cây cối tốt tươi, con người nảy nở/Thần mẹ sinh ra cây lúa, đất đai, ruộng vườn”.

3. Kết luận

Trong sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian, tín ngưỡng phồn thực vẫn trường tồn theo dòng chảy văn hóa và thấm sâu trong đời sống của người Chăm qua ngàn năm lịch sử, đã góp phần tạo nên một nền văn hóa Chăm đầy huyền bí, độc đáo với những sắc thái riêng có của mình. Và tại Tháp Bà ponagar, tín ngưỡng phồn thực được thể hiện một cách chân thực và đa dạng qua thờ sinh thực khí, kiến trúc, thờ nữ thần với ước mong vạn vật sinh sôi, cuộc sống sung túc đủ đầy, đông con nhiều cháu…