Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” của các loại hình tôn giáo tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam hiện nay, có một loại tín ngưỡng mới đang nở rộ đến mức vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người, thậm chí, vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng nên đang bị nhiều kẻ gian trục lợi bất chính, đó là hiện tượng “săn linh vật cầu may.”1 Sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa của các linh vật đã mang đến những hệ lụy “tiền mất tật mang” với những câu chuyện khó tin. Một trong những câu chuyện điển hình là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã ban hành một công văn (232/CĐNHĐT&PT ngày 21/9/2009) yêu cầu cán bộ công nhân viên góp tiền mua linh vật Thiềm thừ (Cóc ba chân) trị giá hàng trăm cây vàng.2 Vì sao một đơn vị kinh doanh lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia lại có những “niềm tin” phi lý đến mức như vậy? Có bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hiện đã mua và trưng bày những linh vật tiền tỷ này? Nguồn tiền để mua các linh vật đắt đỏ đó đến từ đâu? Dòng tiền thu được (có thể tới hàng nghìn tỷ đồng) từ việc bán các linh vật này đi đâu? Có lọt lưới thuế quan hay không?... Đó là những câu hỏi cần được trả lời.
Sự thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng cộng với sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân đã khiến cho “thị trường linh vật” cực kỳ béo bở này3 rơi vào tay những thầy “phong thủy” rởm và những kẻ “cò mồi” ranh ma hốt bạc tỷ. Để hạn chế người dân cũng như các doanh nghiệp đổ tiền cho một thứ nằm ngoài tầm hiểu biết và ngoài tầm kiểm soát như vậy, cần nâng tầm nhận thức của người dân đối với những gì được gọi là “linh vật” là vô cùng cần thiết. Việc nhận thức đúng giá trị của một sản phẩm cụ thể giúp cho người dân tự đề kháng với những trò “bịp” trong một thị trường hỗn loạn và mất kiểm soát như thị trường mua bán “linh vật phong thủy” hiện nay. Những thứ hàng giả, hàng “nhái” mang danh linh vật phong thủy cần phải dẹp bỏ, những người tự xưng là “thầy phong thủy” cần được các cơ quan chức năng thẩm định,… Từ đó giúp cho năng lực của doanh nghiệp phát triển và trình độ của doanh nhân được nâng cao thay cho những trò may rủi trong kinh doanh.
Vậy linh vật là gì? Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ linh vật trong tiếng Anh là holy animal hay sacred animal là con vật được sử dụng trong các tín ngưỡng thờ động vật (animal worship) thể hiện sự tôn kính con vật, thường thông qua sự kết nối của nó với một vị thần đặc biệt. Theo đó, các vị thần được thể hiện dưới hình dạng động vật nhưng hoàn toàn không phải là sự thờ phụng chính con vật đó. Thay vào đó, sức mạnh thiêng liêng của vị thần được thể hiện trong một con vật thích hợp như là hóa thân của chính vị thần này 4.
Như vậy, thuật ngữ linh vật là danh từ dùng chỉ con vật được thiêng hóa trong tôn giáo tín ngưỡng mà hoàn toàn không phải là các đồ vật (object). Do đó, những gì được gọi là linh vật như “nhau mèo, lông đuôi voi, nanh cọp, vuốt cọp, nanh heo rừng...” kể trên hoàn toàn là một sự nhầm lẫn của “thầy phong thủy” hoặc một sự đánh tráo khái niệm của những kẻ “cò mồi.” Cùng với rồng, nghê, rùa, hạc,… đã được đề cập đến trong những nghiên cứu trước, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu một linh vật biểu tượng có liên quan mật thiết đến các linh vật cầu may đó là Tì hưu.
Nguồn gốc, tên gọi và tín ngưỡng Tì hưu
Tì hưu là một linh vật ngoại nhập có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa được sử dụng ít nhiều ở các gia tộc giàu có trước đây và đang trở nên phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo một vài truyền thuyết trong văn hóa Trung Hoa thì Tì hưu là một trong chín con của rồng nhưng trong một số truyền thuyết khác lại không thấy có tên Tì hưu. Tì hưu là một linh vật hư cấu nên biểu hiện của nó cũng mang tính “bất nhất.” Tuy nhiên, có một đặc điểm hoàn toàn khác biệt của Tì hưu so với tất cả các linh vật khác trong văn hóa Trung Hoa là Tì hưu không có hậu môn. Đây chính là một đặc điểm phân loại quan trọng để chúng ta có thể phân biệt Tì hưu với các linh vật đồng dạng như kỳ lân, nghê, sư tử,... Về tên gọi tì hưu, theo Hán - Việt từ điển trích dẫn thì tì (貔 - phiên âm: pí) là một loại mãnh thú, giống như hổ, lông màu trắng tro. Còn hưu (貅 - phiên âm: xiu) là một giống mãnh thú theo truyền thuyết. Danh từ tì hưu 貔貅 theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, là con gấu trắng (bạch hùng), một giống thú rất mạnh cho nên đời xưa gọi các dũng sỹ là Tì hưu. Theo quan niệm của người Trung Hoa xưa, thức ăn của Tỳ hưu là vàng bạc châu báu và do con vật này không có hậu môn nên nó cũng được xem như một loại “thần giữ của.”
Tín ngưỡng Tì hưu được du nhập vào văn hóa Việt Nam ít nhiều trong giai đoạn phong kiến và chỉ thực sự bùng nổ trong giai đoạn phát triển kinh tế ở Việt Nam từ sau giai đoạn “mở cửa” - 1986. Trên thực tế, việc sử dụng các vật phẩm trang trí để trưng bày là một nét văn hóa khá phổ biến và đã tồn tại lâu đời trong các nền văn hóa phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam,… Khi nhu cầu “sắp đặt” này ngày càng cao và ngày càng nhiều thì vấn đề sắp xếp cho có tính hệ thống và hợp lý là vô cùng cần thiết. Từ đây, sự bài trí theo “phong thủy” được coi như một chuẩn mực. Dạng tín ngưỡng này hiện đang có nguy cơ “biến thái” thành một “bệnh dịch” tràn lan tương tự như “sư tử” buộc cơ quan quản lý là Bộ văn hóa thể thao và du lịch phải ra công văn chấn chỉnh tình trạng này.5
Tì hưu trong xã hội Việt Nam đương đại
Nếu thử gõ từ khóa “bán Tì hưu” trên trang google.com.vn chúng ta sẽ thu được gần 600.000 kết quả. Nếu gõ “Tì hưu” thì sẽ thu được trên 1.000.000 kết quả. Hầu hết đều là các trang bán Tì hưu qua mạng. Như vậy, số lượng các vật phẩm có liên quan đến Tì hưu được bán qua mạng có thể lên tới hàng triệu sản phẩm. Rõ ràng, đang có một dòng tiền rất lớn đổ vào loại “vật phẩm phong thủy” này mà giá trị của nó lại chưa được thẩm định. Theo cảnh báo của các nhà chuyên môn thì “Các loại đá nhân tạo có giá cực kỳ rẻ… Một viên đá nhân tạo đẹp lung linh đủ màu sắc chỉ có giá từ 20 nghìn đến 100 nghìn đồng.”6 Trong khi mỗi mặt đá “thật” có giá hàng chục đến hàng trăm triệu. Có nghĩa là nếu “lừa” được một sản phẩm “giả” thì người bán có thể lãi gấp hàng trăm thậm chí đến hàng nghìn lần. Với lãi suất này những kẻ buôn ma túy cũng chỉ biết nằm… mơ.
Với một vấn đề lớn như vậy nhưng việc thẩm định các loại Tì hưu bằng “ngọc” này hiện nay ở Việt Nam chưa hề có một cơ quan chuyên trách nào của Tổng cục Thuế hoặc Bộ Công an đứng ra quản lý. Với một dòng sản phẩm có giá trị cao và lượng giao dịch lớn như vậy mà không được kiểm soát, các cơ quan quản lý thuế Việt Nam dường như đã thất thu một khoản lớn. Như vậy, có thể thấy số tiền mà các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân bỏ ra để mua linh vật này là một con số rất lớn. Vậy xuất xứ các sản phẩm này đến từ đâu? Xin thưa rằng, tuyệt đại đa số đều đến từ Trung Quốc! Với hàng triệu sản phẩm, với khối lượng hàng “tấn” ngọc xuất sang Việt Nam hàng ngày, hàng tuần -không hiểu mỏ ngọc nào ở Trung Quốc có thể cung cấp một số lượng ngọc quý lớn đến vậy?
Vì sao một thú chơi lành mạnh, một loại tín ngưỡng lại có thể biến thành một “bệnh dịch” và tiêu tốn một lượng tiền khổng lồ trong xã hội Việt Nam như vậy? Vấn đề này có liên quan đến một giai đoạn hết sức đặc thù của xã hội Việt Nam sau giai đoạn “mở cửa,” đặc biệt, trong xã hội hiện nay khi mà tính thực dụng, sự trục lợi và cách làm ăn may-rủi (có nguồn gốc của nghề cờ bạc) đang dần trở thành một hiện tượng “bình thường.” Những kẻ trục lợi từ sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân đã thu được những khoản tiền khổng lồ từ việc bán những thứ “hoang đường” này hơn là giá trị thực của vật phẩm. Còn những người mua linh vật phong thủy này cũng đã có khối kẻ táng gia bại sản và dính vòng lao lý mà ví dụ về “đại gia” Diệu Hiền7 chỉ là một trường hợp.
Hệ lụy xã hội từ những “linh vật cầu may”
Khác với thú chơi tao nhã đối với bonsai (tạo dáng-thế cây cảnh), hay non bộ (tạo dáng đá cảnh),… việc sử dụng Tì hưu phong thủy hiện nay không chỉ là một thú chơi, một sở thích cá nhân mà còn là một hiện tượng xã hội cần được nghiên cứu khảo sát trên các khía cạnh văn hóa tín ngưỡng cũng như kinh tế xã hội. Ở mức độ thông thường, việc sử dụng Tì hưu không gây ảnh hưởng lớn đến xã hội vì đây là một thú chơi, một sở thích cá nhân của người chơi. Nhưng khi vật phẩm này được lồng thêm yếu tố tín ngưỡng thì nó trở thành một linh vật (theo quan niệm của người sử dụng). Và khi Tì hưu được các thầy phong thủy “rởm” và những kẻ cò mồi thổi lên thành những “siêu phẩm” có giá “siêu khủng” thì vô hình trung Tì hưu đã biến thành một loại “hàng nóng” trong xã hội. Vấn đề này cần được các chuyên gia về đá quý thẩm định và các cơ quan quản lý kiểm soát.
Với những linh vật cầu may thuộc loại “siêu độc” bằng ngọc phỉ thúy trị giá tiền tỷ theo quảng cáo của những người bán Tì hưu thì việc thẩm định chất liệu là một công việc không thể không làm. Việc này không quá khó với cơ quan an ninh, họ chỉ cần lần theo địa chỉ của hàng ngàn trang bán hàng qua mạng để điều tra. Đặc biệt, với những vật phẩm đắt tiền, cơ quan an ninh sẽ phối hợp với các chuyên gia địa chất - khoáng sản để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Khi đã kiểm soát được các vấn đề nêu trên, các cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý chất lượng hàng, dòng tiền, thu thuế,… người dân sẽ không bị lòe bịp và nhà nước sẽ có thêm một nguồn thu lớn.
Trong khi nạn “chảy máu cổ vật” đang nhức nhối mà vẫn chưa có cách nào “cầm máu,” nạn phá hoại di tích vẫn đang diễn ra thường xuyên mà chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh thì việc tiêu tốn một số tiền lớn cho một loại sản phẩm phi thẩm định như Tì hưu và các linh vật phong thủy hiện nay là một sự phá hoại đối với nền kinh tế của Việt Nam.8 Ví thử số tiền nhiều tỷ đồng để mua linh vật cầu may như Cóc ba chân, Tì hưu phong thủy,… nói trên được dùng vào mục đích kinh doanh, khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp trong nước phát triển thì Việt Nam không đến nỗi phải nhập siêu tới gần 30 tỷ USD năm 20139 - và nhập tới cả … chiếc tăm xỉa răng từ Trung Quốc! Với “vấn nạn sư tử ngoại lai” chúng ta dường như chỉ bị xâm lăng văn hóa10 nhưng chưa đến mức bị “tiêu diệt” về kinh tế. Nhưng với những gì mà các linh vật phong thủy như Tì hưu, đặc biệt là Tì hưu ngọc phỉ thúy, đã mang đến cho Việt Nam thì những linh vật này có sức “hủy diệt” lớn hơn nhiều. Chúng không chỉ tác động về mặt văn hóa và tri thức mà còn góp phần tàn phá nền kinh tế nội địa “èo uột” của Việt Nam.
Cùng với việc lấy đi những số tiền lớn của các cá nhân và doanh nghiệp, Tì hưu cùng các linh vật cầu may, linh vật phong thủy,…đã gián tiếp hủy diệt niềm tin của người dân đối với những cơ quan đang nắm trong tay tiềm lực kinh tế của đất nước như BIDV. Như vậy, cùng với nguy cơ xâm lăng văn hóa đã diễn ra và cuộc xâm lăng kinh tế đã được định hình bởi “nhập siêu” thì những linh vật ngoại lai hiện nay đã lộ nguyên hình là những chú ngựa gỗ thành Tơ-roa (Troy) đang “trấn yểm” nhiều cơ quan và doanh nghiệp đầu não về kinh tế và văn hóa của Việt Nam. Cái mà chúng mang đến Việt Nam là niềm tin vào sự may rủi trong kinh doanh và làm mất niềm tin vào ngân hàng, doanh nghiệp,… Còn cái mà chúng mang đi là những khoản tiền lớn. Rõ ràng, nếu nhìn dưới góc độ của một vật trang trí thì Tì hưu hoàn toàn vô hại nhưng nếu nhìn dưới góc độ xã hội, và đặc biệt là kinh tế, thì Tì hưu là một “sát thủ” đáng gờm hơn những con sư tử đá mà truyền thông đã đề cập trong thời gian vừa qua.
Có thể nói, Tì hưu là một trong những linh vật cầu may, linh vật phong thủy được sử dụng nhiều trong xã hội Việt Nam hiện nay nhưng những hiểu biết của chúng ta về những bức tượng trang trí này còn quá sơ sài. Xét về góc độ văn hóa, Tì hưu là một linh vật mang tính hư cấu, ra đời từ các truyền thuyết với vô số huyền thoại gắn với chức năng giữ của. Xét về góc độ nghệ thuật tạo hình thì Tì hưu là một linh vật được tạo dáng đẹp, có nhiều nét đặc trưng. Có lẽ vì những nét đặc trưng này mà trong văn hóa Trung Hoa cũng như trong văn hóa Việt Nam, Tì hưu được sử dụng như một vật phẩm trang trí sang trọng, biểu hiện cho sự quyền quý, cao sang của những người giàu có.
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ của một hiện tượng xã hội và kinh tế thì linh vật trang trí này lại đang được sử dụng để trục lợi từ chính sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Việc tìm hiểu về nguồn gốc cùng những huyền thoại về Tì hưu giúp chúng ta hiểu sâu thêm về một linh vật hư cấu nổi tiếng tồn tại trong văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam. Bên cạnh sự tự nhận thức của người dùng đối với các linh vật này thì sự định hướng, thẩm định, giám sát,… từ các cơ quan quản lý là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giúp cho người dân tránh “mất tiền oan” mà còn có thể giúp cho các doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung tránh được “trận đồ bát quái” mà những chú ngựa gỗ thành Tơ-roa dưới vỏ bọc linh vật phong thủy đang “trấn yểm” ở nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ quan, văn phòng.
Tì Hưu, nguồn gốc tín ngưỡng và những biểu hiện trong văn hóa và xã hội Việt Nam
