Tìm hiểu về tín ngưỡng và lễ hội của người Ba Na ở Kon Tum

Tran Anh Khoa
10 Dec 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Kon Tum có 6 dân tộc bản địa là Ba Na, Giẻ - Triêng, Xê Đăng, Brâu, Gia Rai, Rơ Mâm cùng sinh sống, ngoài ra còn có một số dân tộc phía Bắc vào định cư... chiếm 54% dân số toàn tỉnh. Dân cư phân bố dưới hình thức cư trú theo từng vùng có sự đan xen giữa các thành phần dân tộc, phạm vi cư trú của từng dân tộc không phân định theo ranh giới hành chính, mỗi dân tộc có một dịa bàn cư trú nhất định: Người Ba Na cư trú tập trung thành một phần rộng lớn phía Đông Nam thành phố Kon Tum. Người Ba Na có số lượng 56.183 người (theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Kon Tum tính đến 31.12.2010), chiếm 23,7 % tổng số người Ba Na tại Việt Nam và chiếm 12,5 % dân số toàn tỉnh.

Là một trong những dân tộc bản địa ở Kon Tum, hiện nay người Ba Na còn lưu giữ khá nhiều phong tục truyền thống đặc biệt là những lễ hội văn hóa độc đáo. Người Ba Na quan niệm: con người từ khi sinh ra đến khi chết sẽ trải qua nhiều quá trình của mối quan hệ ứng xử; mối quan hệ Người - Người (cá nhân với cá nhân), mối quan hệ cá nhân với cộng đồng; mối quan hệ cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên - Yàng,…Trong những mối quan hệ ấy, đều tồn tại niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ và những Lễ hội để biểu trưng cho tín ngưỡng đấy.

Tín ngưỡng:

Người Ba Na gọi thần linh bằng danh từ tập hợp là Yàng nhưng thường người ta gọi cung kính là ông (bốc) và bà (dạ). Bốc Kơ Đơi và Dạ Cung Ké được xem như là hai vị thần tối cao sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài. Trong các vị thần được nhắc đến nhiều phải kể đến Thần sấm sét (bôkglaih) còn gọi là Thần chiến tranh, thường xuất hiện dưới dạng con dê xồm hay ông già, hai tay đầy lông lá, ngủ suốt mùa khô, đến mùa mưa thức giấc đi gieo mưa thuận gió hòa, trừng trị những người loạn luân. Dạ Apom hay Dạ Xơ Kiar, nữ thần đầy lòng thương người hay giúp đỡ kẻ gặp hoạn nạn, là nữ thần chuyên chăm lo việc giã gạo và giữ cho cây đa ở cung trăng khỏi đổ. Yàng Xri (Thần lúa) là cháu gái của Thần sấm sét, hình dạng xấu xí trong con nhện hay con cóc, ẩn nấp trên nương lúa hay trong nhà kho. Ngoài ra còn có Yàng Đắk (Thần nước), hay Yàng Kông (Thần núi) là những thần đòi người ta cúng lễ mới phù hộ. Dạ Nôn và Dạ Câu (bà Thiện và bà Ác) đỡ đầu cho các phù thủy. Dạ Đinh Đai Đóc là nữ thần canh gác cánh cửa dẫn vào thế giới người chết. Còn nhiều Thần nữa như: Bốc Kla (Thần cọp), Bốc Roih (Thần voi), rồi thần cây si, cây đa, … Nhà rông không chỉ là nơi diễn ra mọi sinh hoạt thiết yếu, cố kết cộng đồng của người Ba Na mà còn là không gian của tâm linh, tín ngưỡng, nơi diễn ra mọi hoạt động lễ hội truyền thống, mang giá trị văn hóa tinh thần, nghệ thuật đặc sắc. Người Ba Na có quy định nghiêm ngặt: “chỉ có con trai từ 14 tuổi trở lên mới được ngủ qua đêm trong nhà rông. Đã là con trai Ba Na thì ai cũng phải biết đánh cồng, chiêng và học cách lợp mái, xẻ gỗ, chắp kèo,…để có thể sẵn sàng xây dựng Nhà rông khi trưởng thành”.


Cụ bà Y Trăng (làng Kon Rờ Bàng, thành phố Kon Tum) cho biết: “Trong những ngôi nhà rông cũng có Yàng trú ngụ nên dân trong làng luôn chăm sóc nhà rông như nhà ở của mình. Nhà rông có sạch sẽ, khang trang, đẹp đẽ thì Yàng mới hài lòng, và phù hộ cho mùa mùa tươi tốt, người dân trong làng có cuộc sống yên bình, vui vẻ. Còn nếu lơ là việc coi sóc, để Nhà rông bẩn thỉu, mối mọt thì Yàng sẽ không “ưng cái bụng”, nổi giận gieo tai họa cho dân làng”.

Với niềm tin mãnh liệt vào tín ngưỡng truyền thống của cha ông mình và sự lưu giữ vốn văn hóa, người Ba Na Kon Tum vẫn còn gìn giữ những phong tục độc đáo, gắn liền với hệ thống lễ hội - tương ứng trong mỗi thời kỳ, tình huống cụ thể như: Lễ hội đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ hội mừng Nhà rông mới, Lễ cúng Đất làng...

Lễ hội:

Lễ hội đâm trâu ( X'trǎng): Đây là một trong những lễ hội quan trọng hàng đầu của người Ba Na Kon Tum, nhằm tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu.

Để chuẩn bị cho lễ hội, dân làng chọn một con trâu mới lớn, khỏe mạnh, cho ăn uống đầy đủ rồi tắm rửa sạch sẽ. Thường trâu tế lễ là của làng, còn nếu trâu mua từ nơi khác thì phải mang về trước đó 10 ngày, cho ăn cỏ uống nước của làng. Vào ngày diễn ra Lễ hội, trâu được cột vào dây mây, một đầu nối với cây nêu (Người Ba Na gọi cây cột này là gưng sakapô). Người chủ trì Lễ (thường là già làng) sẽ đọc bài khấn, cảm ơn thần linh trong mùa vụ qua và mong thần linh phù hộ độ trì cho dân làng trong mùa sắp tới. Sau đó dân làng nhảy múa hò reo theo nhịp cồng chiêng rộn rã, xung quanh con trâu tế lễ. Nghi lễ đâm trâu là phần quan trọng bậc nhất của lễ hội: những thanh niên mạnh khỏe sẽ biểu diễn võ thuật, dương uy sức mạnh vòng tròn quanh con trâu trong tiếng cổ vũ của cả dân làng. Khi con trâu dã thấm mệt, họ lựa thời cơ, bất ngờ phóng lao dài giết trâu. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt nhỏ chia cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan, xem như chia sẻ điều may mắn.


Lễ bỏ mả: (Mơt bơxát hoặc Mơt brưh bơxát): Thông thường kéo dài khoảng 5 ngày. Theo quan quan niệm của người Ba Na, người chết tuy mất đi về thể xác, nhưng phần hồn vẫn tồn tại, ở trong nhà mồ, hồn sinh hoạt bình thường nh­ư người sống trên trần gian. Sau khoảng 3 năm, 7 năm hoặc lâu nhất là 10 năm thì bắt đầu làm Lễ bỏ mả, để hồn người chết bước hẳn qua thế giới mới.

Để làm Lễ bỏ mả, gia đình sẽ chọn ngày cuốc dọn (anăr choh cham) nghi lễ cầu xin hồn ma người chết cho dựng nhà mồ mới, bắt tay vào dọn dẹp khu nhà mả cũ. Những ngày đầu, họ tập trung lại xây dựng nhà mả mới cho người chết, gia đình đem rượu, thịt tới khu nhà mả ăn uống, có để phần cho người đã chết và khóc lần cuối cùng vĩnh biệt người thân. Đến ngày thứ tư, khu việc xây dựng nhà mả mới đã xong, gia đình người chết dắt trâu ra nhà rông của làng để làm lễ tế thần linh. Sau khi xong nghi thức cúng tế bỏ mả, con trâu sẽ được phục vụ cho việc ăn uống, vui chơi của cả làng trong đêm đó.

Lễ bỏ mả hoàn thành, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết đã cắt đứt, người chết sẽ sang một thế giới khác. Hồn không còn quấy rầy những người còn sống ở trên trần gian nữa, người sống không phải kiêng kị gì nữa.

Lễ cầu an (Át te rei ): thường được tổ chức vào cuối mùa Thu đến hết mùa Xuân (từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau). Đây là lễ hội truyền thống của ngừời Ba Na vừa mang tính chất gia đình, dòng tộc và vừa có tính chất cộng đồng sâu sắc. Lễ cầu an được tổ chức khi gia đình gặp những chuyện không may: đau ốm, bệnh tật, mùa màng thất bát, bị tai họa gieo xuống,… Quy mô tổ chức Lễ cầu an rất đa dạng, có khi trong phạm vi gia đình, dòng tộc, có khi bao gồm tất cả dân làng. Hình thức tổ chức lễ hội tuỳ theo điều kiện kinh tế của gia đình, cộng đồng làng mà chuẩn bị con vật dâng cúng Yàng phù hợp. Những năm gần đây, lễ hội này vẫn được người Ba Na duy trì và tổ chức trang trọng, có sự đổi mới về cách thức tổ chức cho phù hợp với điều kiện, như lễ hội cầu an ở làng Kon Gộp, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy luôn có sự tham gia của đông đảo dân làng.

Lễ mừng lúa mới: thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 dương lịch năm trước cho đến tháng 1 năm sau, đây là thời gian rảnh rỗi của con người sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và cũng là thời gian cho đất "nghỉ ngơi" theo tập quán. Lễ mừng lúa mới được tổ chức với mong ước cuộc sống ấm no cho cộng đồng ở các buôn làng có truyền thống sản xuất trên nương rẫy. Chọn một ngày đẹp trời sau vụ mùa, dân làng tụ tập ở Nhà rông, mỗi gia đình góp 1 con gà, 1 ghè rượu và 1 khay cốm, bày dọc theo 2 hàng của nhà rông. Chuẩn bị xong, mỗi nhà cử một đại diện ngồi vào mâm lễ của mình, đám trai làng đi chung quanh nổi cồng chiêng, già làng cầu mong cho sự bình yên, ấm no chung của cả làng, từng gia đình có điều ước riêng cho mình. Già làng và những người lớn tuổi được phép ăn và uống rượu trước tiên sau đó mới đến dân làng. Tiếng cười nói, đùa vui của người già, lũ trẻ hòa vào nhau, một không khí đầm ấm, nhộn nhịp. Cuộc vui thường kéo dài thâu đêm, đến khi con gà rừng gáy báo sáng vẫn còn nghe tiếng cồng chiêng.

Ngoài ra, người Ba Na còn tổ chức Lễ cúng Nhà rông mới, Lễ hội cúng đất làng, Lễ hội con dúi,… Mỗi Lễ hội lại có những nét đặc trưng với hệ thống nghi lễ độc đáo gắn với từng thời kỳ và lí do cụ thể. Trong lễ hội, dân làng sống hết mình với những lời ca, điệu múa, nghe tiếng cồng chiêng rộn rã, thưởng thức những món ăn, tham gia những trò chơi lý thú. Lễ hội tạo cho mỗi người dân Ba Na Kon Tum sự phấn khởi tràn đầy, niềm tin vào cuộc sống yên bình, hạnh phúc.