Phát huy tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến

Tran Anh Khoa
27 Nov 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Biên phòng - Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa sắc màu. Đến nay, đa số người DTTS vẫn theo tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, thờ đa thần với quan niệm “vạn vật hữu linh” và các hình thái tôn giáo sơ khai. Trong tiến trình phát triển của đất nước, các DTTS đã cùng nhau gìn giữ và phát huy tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Gắn kết cộng đồng qua thực hành tín ngưỡng truyền thống

Người Pu Péo từng được coi là những cư dân đầu tiên khai phá vùng núi non hiểm trở Đồng Văn, Hà Giang. Trải qua bao biến cố của thời cuộc, đến nay, dân số của dân tộc này chỉ còn vài trăm người, sinh sống chủ yếu ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Dù dân số rất khiêm tốn, nhưng người Pu Péo vẫn duy trì các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo văn hóa truyền thống, tiêu biểu là tín ngưỡng thờ thần rừng với “lễ cúng thần rừng” vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm.

Người Pu Péo tin rằng, vạn vật đều có linh hồn, mỗi con sông, con suối, mỗi khoảnh đất, ngọn núi, khu rừng… đều có một vị thần cai quản. Trong đó, thần ở khu rừng thiêng là quan trọng nhất. Từ đời này sang đời khác, người Pu Péo luôn bảo ban nhau không xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn… Nhờ đó, bao đời nay, những khu rừng thiêng, khu rừng cấm đã tồn tại nguyên vẹn, như tài sản quý của cả cộng đồng.

Ông Củng Chẩn Tráng, người có uy tín của cộng đồng người Pu Péo cho biết, lễ cúng thần rừng là dịp mọi người bày tỏ lòng biết ơn thần rừng và các vị thần cũng như các bậc tổ tiên của người Pu Péo. Sau lễ cúng là tới phần hội. Người dân cả bản trong trang phục truyền thống sẽ liên hoan ngay tại bìa rừng, chơi các trò chơi dân gian, hát các bài hát truyền thống nhằm gắn kết cộng đồng.

Không chỉ người Pu Péo, nhiều dân tộc khác cũng có tín ngưỡng thờ thần rừng như người Hà Nhì, Cờ Lao, Mông, Dao đỏ, Cơ Tu... Hằng năm, các dân tộc kể trên đều tổ chức cúng thần rừng để cầu mong thần rừng và các vị thần khác phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, trâu bò và lợn gà phát triển. Lễ cúng rừng không đơn thuần mang ý nghĩa tâm linh, mà còn góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ rừng và nguồn nước sinh hoạt.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chu Lừ Chừ, dân tộc Hà Nhì ở xã biên giới Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chỉ cho tôi cánh rừng xanh ngắt phía xa, tự hào nói: “Đó là khu rừng thiêng của chúng tôi. Từ nhiều đời nay, người Hà Nhì dù trong hoàn cảnh nào cũng gìn giữ, duy trì tín ngưỡng thờ thần rừng. Lễ cúng rừng là sợi dây kết nối người Hà Nhì với nhau, nhắc nhở chúng tôi luôn nhớ đến tổ tiên với những truyền thống tốt đẹp, động viên nhau chung sống hòa thuận, đoàn kết cùng các dân tộc anh em giữ đất, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ biên cương bờ cõi”.

Hướng con người tới những điều chân, thiện, mỹ

Tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ thần rừng, ông Chừ bảo rằng, nghi lễ truyền thống này có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh cũng như tinh thần, ý thức của mỗi người dân, hướng con người làm những điều thiện, có ích, cư xử văn minh. “Mỗi bản của người Hà Nhì đều có một khu rừng cấm. Bà con cam kết với nhau bảo vệ rừng, không chặt cây, không săn bắt thú, không lấy bất cứ thứ gì từ rừng... Nhiều năm nay, không ai dám vi phạm những điều trên. Người được chọn làm chủ lễ cúng rừng cũng phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn như có đạo đức tốt, có hôn nhân chung thủy... Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng ở địa phương rất tốt, không có hiện tượng đốt nương, đốt rừng làm rẫy. Trong cộng đồng người Hà Nhì không xảy ra ăn cắp, ăn trộm, vợ chồng không đánh cãi nhau, mọi người gắn bó, đoàn kết với nhau hơn” - ông Chừ chia sẻ.

Thực tế, tín ngưỡng truyền thống với giá trị tinh thần tốt đẹp đã và đang đóng góp tích cực trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, răn dạy con người nhớ về cội nguồn, sống đẹp, làm những việc có ích. Minh chứng cho điều này có thể lấy nghi lễ cấp sắc (hoặc Tủ cải) - một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao làm ví dụ.

Đây là nghi lễ quan trọng có trong vòng đời của người con trai dân tộc Dao, đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông cũng như khẳng định vai trò, trách nhiệm của người đàn ông đối với gia đình, dòng họ, tổ tiên và cộng đồng. Tại lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm), nghĩa là được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên. Là nghi lễ quan trọng nên việc tổ chức lễ cấp sắc cần tới vài tháng chuẩn bị. Anh em, họ hàng trong dòng tộc, cộng đồng cùng nhau sắm sửa lễ vật, đồ dùng... Những hoạt động mang tính chất tập thể như vậy tạo sự gắn kết, hòa thuận hơn giữa các thành viên trong dòng họ.

Dự lễ cấp sắc, mọi người có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn, thế giới quan, nhân sinh quan của người Dao qua những bài cúng, điệu múa, tích truyện mà thầy cúng đọc, qua việc quan sát các bức tranh thờ hoặc đơn giản là tìm hiểu ý nghĩa các họa tiết hoa văn trong trang phục, đồ dùng của người Dao sử dụng trong buổi lễ.

Với những ý nghĩa và giá trị tích cực đó, việc thực hành tín ngưỡng dân gian của các DTTS đang góp phần xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chống lại những tổ chức lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

“Lễ cấp sắc đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông, giúp chúng tôi gắn kết tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai. Trong lễ cấp sắc có nhiều nghi thức tâm linh mang ý nghĩa tôn vinh các giá trị đạo lý về hôn nhân, hạnh phúc gia đình, gắn kết mọi người, hướng các thành viên trong cộng đồng luôn nhớ công ơn tổ tiên, kính trọng cha mẹ, làm điều thiện”. Ông Chu Văn Suôn, người Dao, xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chia sẻ