Thần rừng trong tín ngưỡng của người Pu Péo

Tran Anh Khoa
10 Jan 2025
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

- Rừng thiêng có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày cũng như trong đời sống tâm linh của người Pu Péo. Vì vậy, giống như các dân tộc thiểu số khác, người Pu Péo có tín ngưỡng thờ cúng thần rừng.
Lễ cúng thần rừng gắn liền phong tục tập quán của người Pu Péo, để bày tỏ lòng biết ơn trời đất, các vị thần và tổ tiên phù hộ cho dân làng được bình an.

Tín ngưỡng thờ thần rừng hay tín ngưỡng thờ cúng cúng tổ tiên

Dân tộc Pu Péo thuộc nhóm ngôn ngữ Ka đai, là một trong 5 dân tộc có số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dân tộc Pu Péo hiện chỉ có 705 người, trong đó có nam 346, nữ 359. Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo lại sinh sống khá phân tán trên rẻo cao biên giới Việt-Trung. Tại Hà Giang, người Pu Péo hiện có 606 người, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn); Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), ngoài ra còn một số hộ gia đình sinh sống rải rác tại huyện Mèo Vạc.

Là một dân tộc có số dân quá ít, người Pu Péo luôn đứng trước sự đe dọa bị đồng hóa bởi các dân tộc có số dân đông hơn. Tuy gặp nhiều trở ngại lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, song từ bao đời nay, dân tộc Pu Péo ở Hà Giang vẫn gìn giữ nguyên vẹn lễ cúng thần rừng (Sau ngun hay Sau nguôn).

Các khu vực người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng, nơi thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ. Người dân không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn… Với người Pu Péo, thần rừng có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng. Bởi vậy, tổ tiên của dân tộc Pu Péo đã thề trước cửa rừng rằng, sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng.

Người Pu Péo cũng luôn hiểu rằng, giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần Nước là cầu thần rừng cho nên, ngày Tết, trai gái ở bản Pu Péo mới nô nức kéo nhau ra suối gánh “nước vàng nước bạc” về nhà cầu may.

Sau ngun là lễ hội có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ người Pu Péo; là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp như: Thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng, thần cây..., tạo nên sắc thái văn hóa riêng trong đời sống cộng đồng. Lễ hội không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Trong năm, ngoài Tết đầu năm mới, thì lễ cúng rừng là quan trọng nhất đối với người Pu Péo.

Truyền thuyết của người Pu Péo về nguồn gốc lễ cúng thần rừng kể rằng, ở nơi vùng cao heo hút có một ông thần lạ. Ai muốn chặt cây, đốt nương phải xin phép và được thần ưng thuận thì mới được vác rìu, vác cuốc tới đốt nương, làm rẫy. Để bảo vệ rừng, thần giao trách nhiệm cho ong và kiến. Nếu ai xâm phạm thì sà xuống đốt và xua đuổi. Từ đó, con người không xâm phạm được tài sản của thần rừng.

Không có đất làm nương, không có gỗ làm nhà, loài người kiện thần lên vua trời. Vua trời phán rằng: từ nay, thần rừng phải để người khai phá đất đai trồng trọt, làm kế sinh nhai. Con người khi được phép phá rừng làm rẫy đã tự do chặt cây, làm muông thú hết nơi cư ngụ, kiếm ăn, chúng liền kéo lên vua trời kiện con người.

Vua trời phán: rừng là của chung muôn loài. Con người được khai phá đất đai, lấy gỗ làm nhà, làm củi đốt. Tuy nhiên, rừng phải có người cai quản, muông thú phải có nơi cư ngụ, kiếm ăn. Người muốn chặt cây, đốt rẫy phải thông báo bằng lễ cúng thần rừng.

Người Pu Péo cho rằng thần rừng là chủ nhân của rừng cấm. Rừng cấm còn là nơi ở của nhiều vị thần khác, tổ tiên của người Pu Péo từ nhiều đời trước, không còn được thờ cúng trong gia đình. Rừng là nơi dừng chân, hội tụ của thế giới các vị thần mỗi khi qua lại và gặp nhau.

Suốt cuộc đời người Pu Péo gắn với rừng. Bà con quan niệm rất rõ, họ chỉ cúng tổ tiên 5 đời trở lại trong nhà mình; còn tổ tiên trước 5 đời, các vị thường ở trong rừng, ngụ tại các gốc cây đa to. Cho nên, tín ngưỡng thờ cúng thần rừng, với người Pu Péo cũng chính là thờ cúng tổ tiên.

Độc đáo nghi lễ thờ cúng thần rừng

Hàng năm, cứ vào ngày 6/6 âm lịch (trừ trường hợp ngày đó trùng vào ngày Mùi hoặc ngày Dậu, ngày được coi có tượng là Dê và Gà - hai con vật được đem làm đồ tế lễ thì có thể tổ chức sớm hoặc muộn hơn), người Pu Péo lại tổ chức lễ hội cúng thần rừng vì họ cho rằng, ngày 6/6 âm lịch là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng. Địa điểm tổ chức lễ hội là thôn Chúng Trải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Nơi tổ chức lễ cúng là một gò, gần bìa rừng phía đầu bản người Pu Péo sinh sống.

Lễ vật cúng thần rừng gồm, 2 đôi gà trống, mái tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở; một con dê có sừng; bánh nếp và trứng luộc được cắt ra thành nhiều miếng nhỏ; rượu 3 chai; hương và tiền vàng. Trước khi ra cúng rừng, người chủ của mỗi gia đình phải thắp hương cho tổ tiên trong nhà trước. Chủ trì lễ cúng là thầy cúng (Pế mổ) do người dân trong làng chọn lựa, là người có uy tín, được người dân nể trọng. Trong tháng diễn ra lễ cúng thần rừng, thầy cúng phải kiêng ăn thịt chó.

Trước kia, trong thời gian cúng và ba ngày sau đó, người Pu Péo cấm người ra vào bản, không được ra đồng, săn bắn, chặt cây cối, người ta dựng cột gỗ buộc túm lá xanh để làm ký hiệu treo ở đầu bản.

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo được chia làm hai phần: cúng dâng lễ (cúng sống) và cúng chính (cúng chín).

Ở phần cúng dâng lễ, thầy cúng cho buộc hai con gà còn sống vào chân đàn cúng, con dê được buộc gần đó. Trên ban thờ đặt 10 nắm cơm cắt sẵn, trên có miếng trứng (hoặc thịt luộc). Dưới đất là một nong cơm nắm được xếp thành năm hàng, không quy định số lượng, hàng trên cùng là một nắm cơm to, trên đặt một lòng đỏ trứng gà. Các hàng cơm nắm thể hiện quan niệm của người Pu Péo về thế giới thần linh, trên cùng là thần rừng, dưới là các thần linh được phân theo cấp bậc.

Thầy cúng thắp hương cắm ở hai bên và chính giữa đàn cúng, rót rượu vào 4 chiếc chén và đọc bài cúng để mời thần rừng, các vị thần và tổ tiên về dự, bày tỏ lòng thành kính với họ. Dân làng dâng lễ vật mời các vị thần về tham dự và chứng nhận cho lòng thành của họ. Kết thúc bài cúng, thầy cúng sai người mang gà đi cắt tiết.

Sau khi cắt tiết gà và để nguyên con bày hai bên nong, thầy cúng tay cầm cành tre nhỏ, vừa cúng, vừa vung cành tre. Sau đó, thầy cúng cho mang đôi gà đi và dắt con dê vào, đọc bài cúng khác để báo cáo với thần rừng đây là lễ vật thứ hai dâng lên, xin thần làm chứng cho. Rồi dê được mang đi cắt tiết rồi mang cả chậu tiết và con dê đưa lên đàn tiếp tục cúng. Sau khi các thần rừng nhận lễ vật, thầy cúng sai mọi người mang dê đi mổ để chuẩn bị cho phần cúng tiếp theo.

Ở phần cúng chính, lúc đầu dê được thui, nội tạng lấy ra để nguyên để cúng sống, sau mới được đưa đi làm chín. Để cúng những ma dữ hay hại con người và những hồn ma vô chủ, không có nơi cư ngụ, thầy cúng cử một người dùng thanh tre chấm vào chậu tiết dê rồi nhỏ máu dê lên lá dong. Trong lúc người dân chấm tiết dê, thầy cúng đứng cạnh khấn gọi hồn những ma đó về cùng tham dự lễ cúng.

Phần cúng chính bắt đầu khi thầy cúng đặt vào nong 5 chiếc bát có phần nội tạng của con dê đã luộc chín lên ban thờ chính rồi vung vẩy một cành cây theo mỗi điểm nhấn trong bài cúng.

Bài cúng kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần, với hàm ý dân làng không quên nguồn gốc, không quên công lao của thần rừng, tổ tiên người Pu Péo và các vị thần đã phù trợ cho dân làng, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, no đủ:

“Ơ các thần thánh tổ tiên (...)

Đừng cho sét đánh xuống ruộng

Gió, đừng cho nó to

Bão, đừng cho nó lớn

Mưa, đừng cho nó nhiều

Nước vào ruộng, nước đủ cho lúa uống

Nắng, đừng cho hạn hán

Thấy gió về, đẩy gió lên núi

Thấy mưa nhiều, đuổi nước xuống khe

Thấy bão về thì quạt bão đi”...

Kết thúc bài cúng, thầy cúng cầm theo một con dao nhỏ đến đàn cúng các vong hồn và ma quỷ, kể tội các vong hồn, ma quỷ đã quấy nhiễu, làm hại dân làng, rồi dùng con dao hất đổ đàn cúng với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu và ma quỷ. Sau lễ cúng, mọi người cùng nấu nướng và ăn tại chỗ, nếu gia đình nào bận việc không đến tham dự lễ cúng được thì dân làng chia phần đem về hộ.

Hết phần lễ, phần hội được toàn thể nhân dân tham gia hưởng ứng sôi nổi, với những nội dung thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đánh yến, chơi “ào”, nhảy cóc, đu quay, ném quả lay púc... Ngoài ra, còn có chương trình múa hát các làn điệu dân ca, hát đối đáp, giao duyên được các nghệ nhân dân gian của xã trình bày, thể hiện được cuộc sống hằng ngày của bà con dân tộc Pu Péo.

Với giá trị đặc sắc, đại diện cho bản sắc của cộng đồng người Pu Péo, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.