Cũng như nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S, đời sống văn hóa-tinh thần của người Dao rất phong phú thể hiện qua hệ thống lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán lâu đời.
Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có một có sắc thái riêng với những giá trị độc đáo cả về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống đóng góp vào kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú của cả nước.
Cũng như nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S, đời sống văn hóa-tinh thần của người Dao rất phong phú thể hiện qua hệ thống lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán lâu đời.
Nền văn hóa của dân tộc Dao có ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, mỹ thuật... trong đó có nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu trong các là nghi lễ là Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Lễ hội Tết Nhảy.
Tùy vào mỗi ngành Dao mà thời gian thực hiện lễ cúng khác nhau, nhưng nhìn chung tục cúng Bàn Vương cơ bản giống nhau. Người Dao đỏ 5 năm cúng một lần, nhưng có họ trong ngành Dao đỏ 9 năm cúng một lần, có dòng họ 12 năm cúng một lần. Người Dao áo dài ít khi cúng Bàn Vương trong lễ cúng riêng, mà thường cúng Bàn Vương trong các lễ làm chay, lễ cấp sắc hay cúng tổ tiên.
Tết Nhảy của người Dao là tết của gia đình nhưng lại được cả bản coi như là tết của chung. Tết Nhảy của người Dao là nét sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp của các loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ... tất cả đã làm nên vũ điệu sắc màu độc đáo riêng của người Dao.
Cũng như nghi lễ Tết Nhảy, Lễ Cấp Sắc là một nghi lễ dân gian nổi bật của người Dao đỏ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Được cấp sắc nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng. Đây là nghi lễ quan trọng, thẩm thấu trong đời sống người Dao nên được đồng bào ở một số địa phương duy trì đến ngày nay.
Với đặc điểm về tín ngưỡng đa thần, trong gia đình người Dao thường thờ cúng ma ông bà, cha mẹ, ma bếp lò, ma thổ địa... Trong dòng họ hay chi họ hoặc tông tộc thì thờ cúng ma dòng họ. Ở phạm vi cộng đồng làng bản có thờ cúng ma bản bao gồm các thần phù hộ và thổ thần của bản, cúng cầu mưa hoặc cầu nắng, cúng diệt trừ sâu bọ... Ngoài ra, trước đây đồng bào Dao còn cúng ma ruộng, ma nương, ma nước nguồn...
[Người bảo tồn văn hóa dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ]
Ngoài ra, ca hát và sáng tác thơ là nhu cầu sinh hoạt văn nghệ phổ biến của người Dao, trong đó hát Páo Dung là một báu vật văn hóa của dân tộc Dao - được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Người Dao hát, sáng tác hoặc ứng tác lời hát vào các dịp trai gái đến chơi làng, trong đám cưới, dịp vào nhà mới, những ngày hội và chợ phiên... Có hai hình thức thể hiện là hát đơn và hát đối đáp, nhưng hát đối đáp là thông dụng hơn. Hát đối đáp thường áp dụng khi làm quen, tìm hiểu nhau.
Trò chơi của người Dao cũng rất đa dạng, gồm nhiều thể loại khác nhau; có trò mang tính nghi lễ như trò tập lên đồng, tập bói, nhảy múa...; có trò chơi trong lúc uống rượu như trò chỉ ngón tay, hát đối đáp...; có trò chơi trong ngày tết và những lúc rảnh rỗi khác như trò bắt dây bằng các ngón tay, đu dây, đánh quay, đánh còn...
Trang phục của người phụ nữ Dao gồm áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu... Đối với trang phục của nam giới thì rất đơn giản, đó là những chiếc áo ngắn, xẻ ngực, cài cúc trước ngực và thường cài 5 cúc. Quần rất rộng đũng, có thể cử động trong mọi tư thế. Cả nam, nữ và trẻ con người Dao đều thích đeo trang sức như vòng cổ, chân, tay. Ngoài việc làm đẹp thì chúng còn mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng. Theo truyền thuyết kể lại, người đeo trang sức bằng bạc thì sẽ trừ tà ma, tránh gió và thậm chí là được thần linh phù hộ.
Đồng bào Dao có kho tàng tri thức về y học phong phú, do quá trình dài sinh sống trên núi cao, người dân trong bản ốm đau đều tự chữa bằng cây thuốc mọc trong tự nhiên. Do vậy người Dao đúc kết được những bài thuốc dân gian quý, khá đa dạng và phong phú. Bà con hái thuốc từ rừng, trên vách đá, bên bờ khe suối, có loại lấy lá, loại lấy vỏ, quả.
Về canh tác sản xuất của người Dao, đồng bào làm nương rẫy, thổ canh trên hốc đá và canh tác ruộng. Cây lương thực chính của họ là lúa, ngô và các loại rau màu như bầu, bí, khoai... Họ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà ở vùng lưng chừng núi và vùng cao còn nuôi ngựa, dê. Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao và họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Các bản làng người Dao hầu hết đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hỏa mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang.
Người Dao cũng có nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức./.