Tín ngưỡng thờ cúng của người Hoa ở Chợ Lớn

Tran Anh Khoa
02 Nov 2024
VĂN HÓA TÍNH NGƯỠNG

Văn hóa tâm linh của người Hoa ở Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) rất phong phú, đa dạng với tín ngưỡng tục thờ cúng hai hệ thống thần linh nhân thần và nhiên thần gồm ba cõi Thiên - Địa – Nhân. Tín ngưỡng thờ cúng của người Hoa thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa truyền thống của một trong 54 dân tộc Việt Nam.

Thờ nhân thần và nhiên thần

Trong đời sống tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Hoa ở Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) có những điểm tương đồng với người Kinh. Đồng bào đều quan niệm về 2 thế giới âm-dương. Con người khi chết đi, sang thế giới bên kia (thế giới âm) sẽ được ban phúc hay bị trừng phạt là tùy vào những việc làm thiện hay ác, có công đức hay thất đức của mình trong kiếp sống hiện tại…

Từ những quan niệm tâm linh ấy, người Hoa thờ cúng nhiều vị nhân thần và nhiên thần trú ngụ trong ba cõi Thiên - Địa - Nhân, để cầu mong nhận được sự phù hộ độ trì, gặp nhiều may mắn, an lành, thịnh vượng trong cuộc sống. Người Hoa thực hành tín ngưỡng thờ cúng tại các cơ sở thờ tự gồm chùa, miếu, đền, đình (hội quán) và tại mỗi gia đình, với tín ngưỡng pha trộn cả những yếu tố của “tam giáo đồng nguyên” gồm Khổng Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo.

Trước hết, nói về tín ngưỡng thờ cúng các nhân thần, cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn tôn thờ những nhân thần là thánh nhân và truyền tụng trong đời sống tâm linh của cộng đồng như: Quan Công, Bao Công, Bổn Đầu Công, Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Âm Bồ Tát, Từ Hy Thái Hậu, Bảo Sanh Đại Đế, Trương Tiên Sư, Khổng Tử, Chiêu Ứng Công… Tuy nhiên, ở mỗi nhóm người Hoa lại có nhân sinh quan khác nhau, nên sẽ thờ thờ từng thánh nhân khác nhau.

Trong tín ngưỡng thờ cúng các nhiên thần của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, nếu đi sâu tìm hiểu sẽ thấy có rất nhiều vị thiên thần được tôn thờ như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thổ Công, Táo Quân, Thần Tài, Thiên Phụ Địa Mẫu, Tài Bạch Tinh Quân… Ngoài ra còn thờ các vị thủy thần (Thủy Mẫu, Long Mẫu nương nương, Long Vương); thần ở âm giới (Thập Điện Diên Vương); thần động vật (hổ, rồng, ngựa, cá); thần thực vật (Thần Mộc); thần đá (Thái Sơn Thạch Cảm Đương); thần bảo sanh (Kim Huê nương nương, Lâm Thủy phu nhân, cửu Thiên Huyền Nữ; thần kiết tường (Phúc, Lộc, Thọ; thần nghề nông (Thần Nông); thần nghề thuốc (Hoa Đà); thần nghề mộc (Lỗ Ban), thần nghề kim hoàn (Huê Quang Đại Đế)...

Có thể nói, thông qua hệ thống tín ngưỡng thờ cúng trong đời sống văn hóa tâm linh, với các tục lệ, lễ thức mà lối sống tương thân tương ái của người Hoa được hình thành, góp phần củng cố mối quan hệ gia đình, ý thức cộng đồng cùng hướng tới những ước vọng về cuộc sống an sinh bền vững.

Thờ cúng ở hội quán và tại gia

Người Hoa ở Chợ Lớn thờ cúng đa thần theo tín ngưỡng dân gian, với những cơ sở thờ cúng là các hội quán (chùa, đền, miếu, đình) và bàn thờ tại gia. Trong đó, chùa là cơ sở tôn giáo phục vụ mục đích tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng với đối tượng thờ cúng chính là Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, vì có sự chia tách thành nhiều tông phái khác nhau nên trong chùa người Hoa cũng có thờ thêm các vị thần khác.

Miếu, đền của người Hoa là cơ sở tín ngưỡng mang đậm dấu ấn dân gian, do đó thường thờ cúng rất đa dạng, có thể là một nhân thần (nhân vật lịch sử, truyền thuyết) và cũng có thể là những người vô danh nhưng rất linh thiêng, tác động đến đời sống tâm linh của cộng đồng của người Hoa, nên được phụng thờ (cô, cậu, ông, bà).

Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn có một ngôi đình cổ đầu tiên được xây dựng vào năm 1789, với tên gọi là Minh Hương Gia Thạnh, mang đậm nét kiến trúc Việt, thờ các vị tiền hiền có công lập làng Minh Hương. Đình Minh Hương Gia Thạnh thờ các vị thần: Ngũ thổ tôn thần, Ngũ cốc tôn thần, Đông trù tư mệnh, Bổn cảnh Thành Hoàng; bên trái khám thờ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh và Đô đốc tướng quân Trần Thắng Tài, hai vị quan tướng có công lớn, được triều Nguyễn phong là Thượng đẳng thần; bên phải là khám thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh là hai người Hoa gốc Minh Hương làm quan đến chức thượng thư.

Ngoài cơ sở thờ cúng ở các hội quán, cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn còn có bàn thờ tại gia để thờ cúng tổ tiên và các vị thần khác.

Trong tín ngưỡng thờ cúng, người Hoa luôn tôn kính Quan Thế Âm Bồ Tát, hay còn gọi là Phật Bà Quan Âm- một biểu tượng linh thiêng của Phật giáo và là một nữ thần, vị cứu tinh đem lại sự thái bình, thịnh vượng, ban phát sự may mắn tốt lành về đường con cái. Vì vậy, Phật Bà Quan Âm được thờ trong nhà cùng với tổ tiên và các vị thần như: Quan Công, Thổ Công, Thần Tài, Thần Bếp (Táo Quân), Thần Cửa, Thần Tổ sư, Thiên Quan…

Tất cả mọi gia đình người Hoa đều suy tôn Quan Công là bậc thánh hiền với những đức tính, nhân cách cao quý, khí tiết nhân, nghĩa, dũng, tín là “vạn cổ nhất nhân”, “vạn cổ tinh huy”, “nghĩa khí quần hùng” và “cung đại tập nghĩa”. Thờ cúng Thần Thổ Công cũng bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian, bởi người Hoa cho rằng, mỗi một khu đất mà con người cư trú đều do Thần Thổ Công cai quản, ban phát cho sự an lành, hạnh phúc, làm ăn phát đạt giàu sang, thịnh vượng. Chính vì thế, hằng ngày gia chủ thường thắp nhang vào hai buổi sáng sớm và chiều. Riêng ngày mùng một Tết và ngày 15 tháng 8 âm lịch cúng nguyên một con heo.

Thần Tài, hay còn gọi là Tài Bạch Tinh Quân hoặc Triệu Công Nguyên Soái theo quan niệm người Hoa là vị thần mang lại tài lộc cho gia chủ, nên được họ thờ cúng quanh năm và bàn thờ Thần Tài thường được xếp cùng chung với bàn thờ Thổ Công. Bài vị của Thần Tài chỉ có hai chữ “Thần Tài” hoặc có khi chỉ là một pho tượng nhỏ được gia chủ thỉnh từ chùa về, sau khi đã được “khai quang điểm nhãn” linh thiêng.

Thần Bếp, được người Hoa tôn xưng là Đông Trù Tư Mệnh, hay còn gọi là Táo Quân. Tuy chỉ là một vị thần nhỏ nhưng cũng rất quan trọng, vì giữ nhiệm vụ trông nom việc nội trợ và gìn giữ sự bình yên trong gia đình.

Trên mỗi cửa ra vào của mỗi ngôi nhà người Hoa đều dán một miếng giấy. Vào những ngày cuối năm, gia chủ thay miếng giấy cũ bằng một miếng gấy mới. Đây là tín ngưỡng thờ Thần Cửa, hay còn gọi là thần giữ cửa, một vị thần mà nhà nào cũng thờ cúng, nhưng không được để trên bàn thờ.

Người Hoa quan niệm, Thiên Quan là vị thần cao nhất trong các vị thần, nên họ thờ Trời để mong được chứng giám cho lòng thành và đức tin của mình. Bàn thờ Thiên Quan thường được gắn trên vách tường bên ngoài ngôi nhà với bài vị bằng giấy đỏ, viết 4 chữ “Thiên cung trí phước”.

Đặc biệt, người Hoa có quan niệm, mỗi một nghề đều có một vị thần Tổ sư riêng, nên mỗi gia chủ theo nghề nào thì thờ cúng vị Tổ sư đó, ví như nghề kim hoàn thì thờ vị Huê Quang Đại Đế, nghề bốc thuốc thờ Hoa Đà... Bàn thờ Tổ sư được đặt ở gian phòng dùng cho hành nghề sản xuất, hay gia công mặt hàng của gia chủ.

Nhìn chung, người Hoa ở Chợ Lớn đa phần hoạt động trong lĩnh vực thương mại (buôn bán) và sản xuất, kinh doanh nên việc thờ cúng để cầu may trong làm ăn luôn được quan tâm, chú trọng. Hằng tháng, mỗi gia chủ thướng cúng 4 lần vào các ngày mùng 1, 2, 15, 16 âm lịch. Trong năm thì người Hoa còn cúng vào các ngày Thần Tài, Thổ Địa, Quan Âm và các dịp lễ, tết... Trên mâm cúng không thể thiếu được đĩa trái cây, muối, gạo, bình rượu và các món ăn truyền thống khác của người Hoa