Tổng quan về chi Fittonia (Cây May mắn)
Fittonia là một chi thực vật có hoa trong họ Acanthaceae (họ Ô rô). Chi Fittonia có 2 loài là Fittonia albivenis và Fittonia gigantea. Trong đó loài Fittonia albivenis phổ biến hơn cả bao gồm nhiều phân nhóm khác nhau như Argyroneura Group và Verschaffeltii Group.
thuộc chi này được gọi theo tên thương mại quen thuộc ở thị trường Việt Nam là Cây May mắn. Ngoài ra có nơi còn gọi chúng là Cây Cẩm Nhung. Việc gọi tên thuần Việt như thế cũng một phần giúp người chơi cây dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin, từ đó biết cách trồng và chăm sóc các cây Fittonia này sao cho phù hợp nhất.
Fittonia là cây thân rễ, thích nơi ấm áp và ẩm ướt. Chúng có nguồn gốc tự nhiên từ các tầng thấp của rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ, chủ yếu tập trung ở Peru và Colombia. Tùy thuộc vào từng loài Fittonia sẽ đạt chiều cao khoảng tử 15 đến 80cm. Các cây May mắn này đều được yêu thích bởi tán lá có hoa văn như những đường vân khảm sắc sảo, nổi bật và nhiều màu sắc rực rỡ. Thân và mặt dưới lá thường phủ một lớp lông tơ mảnh. Khi trồng trong nhà, những cây Fittonia này rất hiếm ra hoa, còn trong tự nhiên người ta có thể nhìn thấy chúng nở hoa màu trắng nhỏ trên cuống hoa xanh lục trông như con sâu.
Chi thực vật Fittonia được đặt tên để vinh danh hai chị em nhà thực vật học người Ireland Elizabeth và Sara Fitton sau những nghiên cứu hoàn thiện vào năm 1860. Họ đã xuất bản một cuốn sách về thực vật học vào năm 1867, cuốn sách lần đầu tiên phổ biến loại cây độc đáo này.
Khám phá về hai loài Fittonia albivenis và Fittonia gigantea
1. Cây May Mắn Fittonia albivenis
Fittonia albivenis là loài phổ biến nhất, lần đầu tiên được mô tả là Adelaster albivenis vào năm 1861. Trải qua nhiều lần phân loại và định danh, vào năm 1979, Richard Brummitt đã công bố Fittonia albivenis là tên khoa học chính thức cho đến thời điểm hiện tại.
Đây cũng là cây May mắn thường thấy nhất ở Việt Nam, có đa dạng tên quốc tế như Nerve Plant, Mosaic Plant, Painted Net Leaf. Từ loài Fittonia albivenis này đã tạo ra vô số giống Fittonia độc đáo khác, được phân thành hai nhóm là Argyroneura và Verschaffeltii dựa vào màu sắc của những đường gân lá. RHS (Royal Horticultural Society) nhận diện hai nhóm này như sau:
Fittonia albivenis Argyroneura Group có gân lá màu trắng bạc với nhiều tên gọi khác (Common names) như Silver Fittonia, Green Nerve Plant, Silver Nerve, Silver Net Plant, Silver Threads, White Nerve Plant.
Fittonia albivenis Verschaffeltii Group có gân lá màu hồng, tên gọi thường gặp khác như Pink Angel, Pink Nerve Plant, Red Fittonia, Red Nerve, Red Net Plant, Red Threads cũng dựa trên đặc điểm lá của chúng. Fittonia ‘Red Anne’ là cây May mắn đỏ phổ biến nhất, điển hình cho các cây thuộc Verschaffeltii Group.
Cây May mắn (Fittonia albivenis) có nguồn gốc bản địa là các khu rừng rậm nhiệt đới ở Colombia, Peru, Bolivia, Ecuador và miền bắc Brazil. Fittonia albivenis (syn. Fittonia verschaffeltii) có kích thước tương đối nhỏ gọn, khoảng từ 7 đến 10cm với lá hình trứng, hình bầu dục và đường gân lá nổi bật trên nền lá màu sắc.
2. Cây May Mắn Fittonia gigantea
So với Fittonia albivenis, Fittonia gigantea lớn hơn một chút và chiều cao có thể lên tới 80 cm. Các lá riêng lẻ của nó khá lớn, tương đối tròn hơn và dài tối đa 10cm, có gân lá màu đỏ. Tuy nhiên Fittonia gigantea ít phổ biến hơn nhiều và cho đến nay chỉ giới hạn ở các giống ban đầu.
Một số cây May mắn (Fittonia) phổ biến
1. May mắn xanh (Fittonia albivenis Minima)
May mắn xanh có danh pháp khoa học là Fittonia albivenis Minima và tên tiếng Anh là Silver Nerve Fittonia. May mắn xanh là giống Fittonia phổ biến nhất, được nhiều người ưa chuộng bởi ngoại hình lạ mắt và tên gọi độc đáo. Lá May mắn xanh hình elip, phủ màu xanh sẫm đến xanh mạ với những đường gân trắng tương phản. Cây chỉ cao khoảng vài cm, thích hợp trong trồng nhà ở những vị trí, không gian hạn chế.
2. May mắn đỏ (Fittonia albivenis Red Anne)
May mắn đỏ được định danh khoa học Fittonia albivenis Red Anne. Cây cũng là có chiều cao khiêm tốn, tán lá mọc tỏa tròn như một đóa hoa đỏ rực. Lá May mắn đỏ rất đặc biệt, nhìn như vân khảm xanh ngọc điểm nhấn thêm những đường cọ màu đỏ tươi mềm mại. Cây Fittonia Red Anne có viền lá rõ hơn so với Fittonia Minima. Nếu vân lá May mắn xanh chạy tràn đến mép lá thì gân lá May mắn đỏ sẽ “có trật tự” hơn, chúng giới hạn điểm dừng có thứ tự, tạo thành viền lá màu xanh sẫm rõ rệt.
3. May mắn hồng (Fittonia albivenis Pink Forest Flame)
May mắn hồng có tên khoa học là Fittonia albivenis Pink Forest Flame. Cái tên cũng phần nào thể hiện được đặc điểm của cây. Nếu các cây May mắn xanh, May mắn đó có dáng lá bầu dục thì May mắn hồng lại đặc biệt khi dáng lá có phần dài và nhọn hơn, viền lá cũng có độ xoăn uốn lượn. Hình dáng lá May mắn hồng người ta không khỏi liên tưởng đến ngọn lửa, có thể vì thế nên nó mới được gọi là “Pink Forest Flame”. Tên gọi May mắn hồng cũng dựa trên màu sắc đặc trưng của cây này. Những vệt màu lục bảo tạo hiệu ứng như được khảm nổi trên nền hồng bắt mắt. Đối với lá non, màu xanh gần như tiêu biến, có thể thấy rõ những đường gân hồng, đặc điểm của nhóm Verschaffeltii Group.
Hướng dẫn chăm sóc cây May mắn (Fittonia)
Ánh sáng thích hợp với cây May mắn (Fittonia)
Nguồn gốc tự nhiên từ các vùng rừng rậm nhiệt đới hình thành nên đặc tính ưa ánh sáng yếu, bóng râm ở May mắn (Fittonia). Lá May mắn đa dạng màu sắc nên cần ánh sáng để duy trì độ tươi tắn, rực rỡ. Dù vậy, chúng là cây thân thảo, việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ khiến lá cháy xém, vàng úa hay thậm chí héo khô. Đặt cây ở những giàn ươm tầng dưới, có mái che cắt nắng sẽ giúp cây hưởng ánh sáng tự nhiên gián tiếp vừa đủ, không gay gắt.
Nhiệt độ và độ ẩm đối với cây May mắn (Fittonia)
May mắn (Fittonia) đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ và độ ẩm. Chúng thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ trung bình khoảng 26 đến 30 độ C. Fittonia cực kỳ ưa ẩm, nên môi trường nhiệt độ thấp sẽ hanh khô hơn, cây sẽ dễ héo rũ, ngọn lá giòn. Cần phun sương kết hợp để duy trì độ ẩm ổn định cho cây May mắn.
Tưới nước cho cây May mắn (Fittonia)
May mắn (Fittonia) có nhu cầu về nước cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Thiếu nước sẽ dẫn đến tình trạng héo rũ toàn phần nhưng Fittonia có thể nhanh chóng phục hồi trạng thái nếu được cấp nước ngay. Có thể tưới nước như thông thường hoặc gom May mắn vào cùng một khay lớn và bơm nước sao cho vừa ngập đến đáy chậu. Khi được cấp nước, cấp ẩm kịp thời, May mắn sẽ nhanh chóng “tỉnh lại”.
Đất trồng / Giá thể cho cây May mắn (Fittonia)
Đối với May mắn (Fittonia), cần trồng với hỗn hợp giá thể giàu mùn, giữ ẩm nhưng cũng đảm bảo thoát nước tốt. Nếu đất trồng quá bí tắc kết hợp tưới nước không đúng cách sẽ dễ khiến May mắn bị úng thân.
Bón phân cho cây May mắn (Fittonia)
May mắn (Fittonia) không có nhu cầu cao đối với phân bón. Nếu cần thúc đẩy cho cây phát triển, có thể cân nhắc tưới phân bón pha loãng vào mùa nắng.
Nhân giống cây May mắn (Fittonia)
May mắn (Fittonia) là cây thân rễ và rất dễ nhân giống từ chính nhánh thân của chúng. Có thể tách những đoạn thân dài, đảm bảo có rễ và khoảng 3 đến 5 lá, sau đó trồng vào giá thể tương tự đất trồng đã những cây May mắn trước đó.
Một số vấn đề phổ biến ở cây May mắn (Fittonia)
May mắn (Fittonia) rụng lá và vàng lá
Khi thấy lá May mắn (Fittonia) bị vàng và rụng đi, cần xem xét cách chăm sóc đã hợp lý chưa. May mắn rụng lá già để kích thích sự phân nhánh và chồi non. Nhưng nếu phát hiện lá May mắn vàng, nâu giòn mép lá và rụng lá một cách bất thường (ở những lá non hơn) có thể là do dư nước hay không khí quá khô dẫn đến thiếu ẩm. Các cây May mắn có nhu cầu về nước cao nhưng cũng cần tưới nước đúng cách, không phải chỉ liên tục tưới và tưới nhiều sẽ tốt.
May mắn (Fittonia) thiếu nước nghiêm trọng
Thông thường, khi thiếu nước, May mắn (Fittonia) sẽ biểu hiện qua thân lá héo rũ. Dù dễ héo khi mất nước nhưng các cây May mắn này cũng nhanh “hồi sức” nếu được cấp nước kịp thời. Tuy nhiên, khi đã thiếu nước nghiêm trọng, hầu hết các lá sẽ giòn và rụng hoàn toàn, chỉ còn thân trơ trụi hoặc ít nhất là còn giữ chồi non. Lúc này sẽ phải mất khá nhiều thời gian để dưỡng cây trở lại như trước. Chăm Fittonia cần đầu tư lên kế hoạch tưới tiêu hợp lý để không gặp tình trạng thiếu nước hay thừa nước, vì cả hai vấn đề đều gây hại nghiêm trọng cho cây.
Sâu bệnh gây hại cho May mắn (Fittonia)
Tương tự như trên, tưới nước quá nhiều và không thoát nước kịp, May mắn (Fittonia) sẽ gặp tình trạng thối rễ, úng thân, nếu mức độ nghiêm trọng có thể không cứu được. Ẩm ướt tồn đọng sẽ sinh ra vi khuẩn, nấm…là nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh cây trồng. Bệnh viêm nấm thực vật, bệnh đốm lá Xanthomonas gây hoại tử gân lá và virus khảm cũng có thể ảnh hưởng đến sức sống và trạng thái của Fittonia. Ngoài ra các vấn đề về rệp sáp, bọ trĩ…cũng cần được chú ý.