Phong thủy, từ quá khứ tới hiện đại

Tran Anh Khoa
22 Dec 2024
PHONG THỦY VÀ SỨC KHỎE

Người phương Đông từ xa xưa đã có quan niệm: “Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thuỷ, tứ âm đức, ngũ độc thư”. Có thể thấy, ngoài niềm tin về vận mệnh thì con người đã luôn tin vào việc chúng ta có thể thay đổi cuộc đời, một trong các yếu tố đó chính là phong thủy.

Từ việc ứng dụng vào những việc quan trọng như xây nhà, tìm nơi an táng hay đánh giá vị trí đất đai, phong thủy dần phổ biến với những niềm tin hiện đại hơn như biển số xe, số điện thoại,… đều có thể ảnh hưởng đến tài vận của con người. Vậy rốt cuộc phong thủy là gì?

Phong thủy là gì?
Phong thủy học là bộ môn luận về kiến trúc, địa lý dưới góc độ “lực lượng vô hình” liên kết vũ trụ, trái đất và con người với nhau, được gọi là khí.

Cư sĩ Thiện Nghiệp Trịnh Văn Mười (1940) đã viết trong cuốn Khái niệm Phong thủy – tác phẩm nhằm giải thích để nhiều người có cách hiểu sai về phong thủy:

“Người ta thường hiểu phong thủy một cách đơn giản là gió và nước, phong thủy thực ra là một thứ “khí lực” thiên nhiên được toát ra từ trong hình thể của núi sông, của đất, của nước, của ao hồ, của nhà cửa, ruộng vườn mà thầy địa lý qua kinh nghiệm luyện tập mới có thể bằng trực giác, bằng cảm xạ nhận biết được. Phong thủy không phải là hữu hình – cũng không phải là vô hình – mà là trực giác. Nó tùy thuộc vào trình độ, tùy thuộc vào căn cơ, tùy thuộc vào thiên tư trời phú mà hành giả có thể học hiểu được theo một giới hạn nhất định.”

Trong đó, nói riêng về khí thì Cư sĩ Trịnh Văn Mười nhận định: “Khí ở đây không phải là hơi, không phải là luồng không khí để thở, không phải một thứ năng lực. Với người Việt Nam, chúng ta nói đến ‘khí’ thì ai ai cũng có thể hiểu bằng trực giác những loại từ tương tự như: cái âm khí ở bãi tha ma, cái sát khí ở bãi chiến trường, cái tử khí ở nhà xác bệnh viện, cái linh khí của một ngôi đền, cái thần khí của một con người điên loạn,…

Phong thủy quan niệm ‘khí’ là cái nguyên thủy của vũ trụ, khí bắt đầu từ vô hình cho đến khi hữu hình, khí tạo dựng trời đất. Khí là nguồn gốc của thiên địa. Khi khí phát tán ra không nhìn thấy được, lúc đó gọi là thái hư. Thái hư chính là bản thể của khí là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Khí là nguyên tố tác thành nên tất cả. Toàn thể vũ trụ này chỉ là lịch trình tiến hóa của khí.”

Sách Táng thư do Quách Phác đời Tấn có viết: “Khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ, cố vị chi phong thủy”. Tạm dịch: Khí nương theo gió thì tán, gặp nước giới hạn thì tụ, người xưa làm sao cho khí tụ mà không tán, lưu thông mà có chỗ dừng, cho nên gọi là phong thủy.

Chuyên gia phong thủy Vũ Đình An có nhận định đơn giản và gần gũi hơn: “Phong là gió, là không khí để hít thở, mà cuộc sống chỉ đơn giản là hít vào và thở ra. Còn thủy là nước, 70% cơ thể con người là nước, 71% bề mặt trái đất là nước, nước nuôi dưỡng vạn vật mà không tranh giành, nước gặp núi thì đi vòng, gặp chỗ trũng thì ngưng tụ, nước không có hình dạng nhất định nên nước có tất cả các hình dạng, nước không màu nên có thể có tất cả các màu, nước làm sạch mọi thứ cũng tự làm sạch mình, và trở về đại dương bao la.”

Từ đó có thể nói, phong thủy là một hệ thống dựa trên sự quan sát các vật thể, sức mạnh của thiên nhiên, bao gồm trời (thời gian) và đất (không gian bên trong và bên ngoài) và “khí” của các yếu tố tương tác với nhau như thế nào. Từ những quan sát đó, phong thủy được coi là phương pháp tìm kiếm và chọn lựa nơi trú ngụ hoặc mai táng cát tường phú quý, phúc thọ bình yên. Ở tầng cao hơn, nhiệm vụ của phong thủy còn là làm cân bằng các yếu tố về “khí” bằng những thiết kế, sắp đặt.


Tuy nhiên, phong thủy không phải là những yếu tố đơn lẻ mà nó tổng hợp các yếu tố về địa hình, địa thế xung quanh nhà ở, thôn xóm, thành phố, mồ mả, hướng gió, nguồn nước,… cùng với tọa hướng, hình dạng, bố cục không gian xây dựng.

Giống như mọi ngành khoa học kĩ thuật cổ truyền khác ở Á Đông, thuật phong thủy cũng dựa vào dịch lý, thuyết âm dương, ngũ hành. Phong thủy là một trong Ngũ thuật của Siêu hình học Trung Quốc, được xếp vào loại thuật xem tướng (quan sát tướng mạo thông qua các công thức và phép tính).

3 trường phái phong thủy
Phong thủy cùng xuất phát từ Trung Quốc nhưng có nhiều trường phái với cách thức ứng dụng khác nhau. Theo Cư sĩ Thiện Nghiệp Trịnh Văn Mười, phong thủy địa lý có 3 trường phái:

Nhật pháp môn: Trường phái này thịnh hành ở Bắc Kinh và Thượng Hải, chuyên dùng âm dương, ngũ hành, nhị thập bát tú và thiên can, địa chi để xem ngày giờ tháng năm nào tinh chiếu vào địa cuộc nào đặng biết được địa cuộc đó phát thịnh hay suy tàn vào thời điểm nào mà quyết định thực hiện các công trình cho phù hợp.

Trường phái này còn áp dụng hoàn toàn phong cách của Dịch học để phác họa những công việc làm sắp tới cho chủ nhân. Chẳng hạn như đón lấy cơ hội và định hướng phát triển kinh doanh hay tạm thời hạn chế công việc làm ăn kinh tế đã đến đỉnh điểm của chu kỳ, bắt đầu vào chiều hướng đi xuống không có lợi thì nên chờ thời cơ mới mà phát huy giai đoạn mới,…

Hình pháp môn: Trường phái này được khai sáng ở Giang Tây. Trường phái này chủ tâm quan sát vào địa cuộc, căn cứ vào sông suối, núi đồi,… mà luận hình thù bằng hình thức tư duy suy diễn theo kinh nghiệm của hành giả. Hình pháp môn rất khó đồng quan điểm vì còn tùy vào kinh nghiệm và sự tưởng tượng của hành giả nên có khi sự lý giải và nhận định trở nên nan giải không thống nhất.

Lý pháp môn: Trường phái này phát triển mạnh ở Phúc Kiến và Triết Giang. Trường phái này đi vào tâm ấn và dựa vào âm dương ngũ hành để xác định địa mạch của đất đai, gò núi,… mà ấn quyết nơi nào là hung mạch, nơi nào là kiết mạch – để bố trí các công trình nhà ở, bảo tàng, trường học, chợ quán (dương cơ) và nơi nào an táng mồ mả gia tiên (âm trạch). Lý pháp môn ví như các thầy lương y xem mạch mà bốc thuốc, các thầy châm cứu định huyệt mà đặt kim. Nếu không biết định huyệt thì làm sao dám đặt kim, nếu đặt kim mà không biết định huyệt thì chỉ có hại cho người ta tê liệt cả đời.

Ứng dụng phong thủy
Ứng dụng phong thủy từ cổ chí kim đều có nhiều câu chuyện mang màu sắc ảo diệu khiến người nghe nửa tín nửa ngờ. Nhưng để nhận biết được một vị thầy phong thủy có năng lực thì cũng vô cùng khó. Bởi theo Cư sĩ Trịnh Văn Mười, quy trình học tập của một người theo học phong thủy “chính truyền” vừa gian nan, vừa tốn nhiều thời gian: “Quy trình học tập của chính truyền phong thủy khi nhập môn phải qua ít nhất là 3 năm về pháp tướng học, 3 năm về Dịch học, 5 năm lý thuyết cơ bản 3 trường phái chính của địa lý và 5 năm thực địa để đúc kết chương trình, diễn đạt một đề cương bản lĩnh của chính mình, hợp với quy chuẩn của nghiệp truyền. Phong thủy học pháp tướng thật kỹ nhưng không phải để xem tướng số mà để làm hành trang đi vào địa lý.”

Từ quá khứ…
Đại sư phong thủy Quách Phác viết: “Phong thủy chi pháp, đắc thủy vi thượng, tàng phong thứ chi”. Tạm dịch: Trong phép phong thủy, được tụ thủy là tốt nhất, rồi đến được tàng phong. “Tàng phong, tụ thủy” chính là trạng thái tốt nhất của phong thủy. Tùy từng mục đích mà có sự khác nhau về tốt – xấu.

Phong thủy được chia ra 2 lĩnh vực là âm trạch (vùng đất dùng để chôn người chết, còn gọi là mồ mả) và dương trạch (vùng đất được dùng vào mục đích làm nhà cửa, đình, chùa, miếu mạo, thôn xóm, làng mạc, thị trấn, thành phố,…). Đồng thời, đối với từng người, phong thủy lại cho phép tra cứu Trạch Quẻ để xác định 4 hướng tốt, 4 hướng xấu, từ đó chọn ra các hướng cho cách bài trí, thiết kế (hướng nhà, hướng cửa, giường, bếp,…)

Về dương trạch, tức phong thủy của nhà ở, những vấn đề cần xét có rất nhiều như huyệt vị, làm nhà, hướng nhà, cấu trúc nhà, nội thất,… Cần phải xét tất cả các yếu tố mới làm thành phong thủy tốt cho ngôi nhà.

Từ các nguyên lý ban đầu về “khí” mà chọn đất, chọn hướng thì phong thủy còn phát triển thêm khi kết hợp với các nguyên lý truyền thống khác như nguyên lý cân bằng âm – dương, nguyên lý tương sinh tương khắc của ngũ hành, nguyên lý tam tài thiên – địa – nhân (trời – đất – người),…

… tới hiện đại
Chuyên gia Vũ Đình An cho rằng ứng dụng phong thủy có thể xuất phát từ những quan sát thực tế. Như tại nước ta, miền Trung và miền Bắc có gió mát vào mùa hạ là gió đông nam, tây nam, còn gió lạnh vào mùa đông là gió bắc, đông bắc. Theo quy luật ấy, bốn mùa không đổi, phong thủy thuận theo để mở cửa nhà hướng đông nam, nam hay tây nam thì được sống trong “hạ mát, đông ấm”.

Chuyên gia phong thủy Vũ Đức Ninh, thành viên Đại sư (Master) của Hiệp hội Phong thủy Thế Giới cũng nhận định: “Áp dụng tốt phong thủy vào cuộc sống sẽ giống như có một con chiến mã giúp chúng ta thuận lợi hơn. Mọi người không nên nghĩ phong thủy cao xa hay huyền bí, phong thủy chính là môi trường sống. Ví dụ, mẹ của Mạnh Tử chọn nhà gần trường để con có điều kiện học hành tốt, đó là phong thủy.”

Trong ứng dụng phong thủy hiện đại, kỹ thuật phong thủy tiến bộ nhanh chóng và khả năng ứng dụng rộng rãi, ngoài các nguyên lý truyền thống ban đầu, “công nghệ phong thủy” đã có thêm các phương pháp khoa học hơn như:

1. Nghiên cứu thuần túy lý thuyết, đó là vận dụng các nguyên lý của phong thủy kết hợp với các phương pháp logic và các khoa học cơ bản với các điều kiện biên,… để giải quyết một vấn đề.

2. Nghiên cứu thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, mô phỏng trên máy tính hoặc trong thực tế để tìm ra kết quả mong muốn.

3. Nghiên cứu tổng kết, kết hợp giữa lý thuyết và khảo sát thực tế để đưa ra các kết luận.

Ngoài các hình thức ứng dụng phong thủy về đất đai, nhà cửa, mộ trạch và các sắp đặt môi trường sống, ngày nay, phong thủy còn được mở rộng ra với hầu hết các khía cạnh khác của đời sống. Những trào lưu “số đẹp” cho số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, biển số xe,… đang ngày càng phổ biến, những biển số xe được đấu giá lên đến vài tỉ hay vài chục tỉ hẳn cũng được chào đón bởi niềm tin sẽ mang đến vận số tốt.

Với truyền thống và niềm tin lâu đời, phong thủy có vai trò to lớn trong nhiều khía cạnh của đời sống. Tuy nhiên, các nhà phong thủy học đều nhận định rằng phong thủy là quả, là duyên của mỗi cuộc đời con người. Hay như Phật pháp nói: “chính báo” tốt thì “y báo” tốt. Nghĩa là gốc vẫn là tâm đức của con người. Như Tả Ao – một bậc thầy địa lý Việt Nam tìm được huyệt quý ở ngoài hải đảo nên muốn đưa di hài của mẹ đến đây táng nhưng gặp lúc sóng to gió lớn, không sao đưa đến huyệt để táng được. Đợi đến khi trời yên biển lặng thì nơi đó nổi lên một bãi bồi. Tả Ao chỉ còn nước than thở: “Đây là hàm rồng, năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số rồi”. Từ đó, Tả Ao cũng hiểu rõ về phong thủy hơn, biết dù giỏi địa lý cũng không thể thay đổi được số mệnh. Bởi phúc báo của mẹ ông hoặc của dòng họ chưa đủ nên không thể được hưởng “phong thủy tốt”.