Cũng như các địa phương miền biển khác, lễ hội dân gian Cần Thạnh cũng hướng tới những đối tượng thiêng liêng. Đó là những hình ảnh, những biểu tượng hội tụ và kết tinh những phẩm chất cao đẹp của những người đi tiên phong khai hoang mở làng mở nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm, hay có công chống thiên tai, cải tại thiên nhiên, xây dựng cuộc sống…
Tín ngưỡng dân gian tại Cần Thạnh là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán. Cần Thạnh có vị trí địa lý và quá trình lịch sử tương đối đặc biệt, là cửa ngõ vào trung tâm kinh tế, xã hội vào loại bậc nhất khu vực. Tín ngưỡng dân gian ở Cần Thạnh vừa có nét chung của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, vừa có những nét riêng do sự ảnh hưởng trực tiếp của tín ngưỡng dân giao Trung bộ, lại có thêm biểu hiện sắc thái của sự giao tiếp giữa các vùng miền ấy. Các loại hình sinh hoạt văn hóa như: Lễ hội thờ cúng Thành Hoàng làng ở đình, miễu, Lễ hội Nghinh Ông, nghi lễ của các tôn giáo như: Cao đài, Thiên chúa giáo và Phật giáo. Cũng như các tín ngưỡng dân gian chung của dân tộc Việt nam, tín ngưỡng dân gian Cần Thạnh bao giờ cũng hướng tới những đối tượng thiêng liêng. Những đối tượng được suy tôn, ngưỡng mộ trong tín ngưỡng dân gian ở Cần Thạnh phản ánh phần nào đặc biệt riêng về quá trình hình thành, về nghề nghiệp và điều iện lao động sản xuất và xã hội của vùng đất này. Nó nói lên giá trị văn hóa, nét thẩm mỹ, thái độ tôn kính, ý thức tri ân và niềm tự hào về tổ tiên là thực tế, cụ thể, gắn với điều kiện nghề nghiệp và địa bàn sinh sống. Nó còn có giá trị giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, nghề nghiệp, củng cố tinh thần đoàn kết và khơi gợi sâu sắc lòng tự hào về vùng đất mà minh sinh sống.
Một đặc điểm nổi bật của tín ngưỡng dân gian Cần Thạnh là gắn liền với nghề đánh bắt hải sản. Trên cơ sở đó đã định hình loại hình Lễ hội của một nhóm cộng đồng sinh sống trên cùng một địa bàn nhất định với nghề nghiệp nhất định, mang tính đặc trưng, được gõi chung là: Lễ hội Nghinh Ông. Ngày nay, lễ tục ấy vẫn được giữ gìn và phát triển, được ngư dân tổ chức hàng năm tại Lăng Ông Thủy Tướng, cầu cho xóm làng bình yên, mưa thuận, gió hòa, được mùa tôm cá… phản ánh phần nào nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, sôi động và có sức hấp dẫn đặc biệt của ngư dân.
Trong chiều sâu tâm thức, ngư dân đặt tin tưởng vào sinh vật khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng” là loài cá voi hay cứu giúp người đi biển, mà họ gọi một cách kính trọng là cá Ông, hoặc Ông, dù rằng sự cứu giúp đó chỉ mang tính huyền thoại. Có rất nhiều danh rừ để gọi cá voi với sự cung kính: Ông Nam Hải, Ông Lớn, Nam Hải, Ông Khơi để chỉ cá voi sống ngoài biển khơi, Ông Lông để chỉ cá voi sống gần bờ.
Nơi thờ cá Ông, có nhiều cách gọi, riêng Cần Thạnh được gọi là Lăng Ông Thủy Tướng. Việc thờ cá Ông được quan niệm như là một cách đền ơn, đáp nghĩa theo Luật nhân quả của đạo Phật, coi cá Ông như thần hộ mạng giữa biển khơi đầy sóng gió. Niềm tin ấy được phản ánh trong nội dung các bài viết văn tế và cả trong tiềm thức của cư dân biển. Nếu như trong các văn tế Nghinh Ông của các miền Trung nghiêng về phần ngợi ca và gởi gắm niềm tin Ông về việc cứu người cứu thuyền trong cơn lâm nạn, thì nội dung văn tế trong Nghinh Ông từ Bà Rịa trở vào đến Cà Mau, Hà Tiên thường nhấn mạnh đến sự “phù hộ của Ông” để cho được mùa đánh bắt, tôm cá đầy hoang, tàu thuyền ra khơi về bến an toàn. Không khí của phần lễ cũng như của phần hội ở Cần Thạnh thường diễn ra sôi động và cuồng nhiệt, thu hút đông đảo thập khách các nơi về tham quan. Trong tâm linh của ngư dân, lễ hội Nghinh Ông không chỉ là dịp để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với một số vật thiêng mà còn gởi gắm vào đó cả niềm tin và hy vọng ở một vị thần hộ mạng, sẵn sàng cứu giúp họ trong cơn hoạn nạn, trong những lúc hiểm nghèo giữa nơi biển cả.
Trên địa bàn Cần Thạnh, có lăng thờ cá Ông, nằm ven bờ biển, có lưu giữ cốt cá Ông, đặt ở nơi hậu tẩm. Người dân làm nghề biển coi bộ cốt ấy là sự hiện diện cụ thể của đối tượng thiêng mà họ thờ cúng.
Nếu như lễ cúng Đình (Lễ Kỳ Yên) hàng năm ở làng quê là Lễ hội to nhất của cư dân trồng lúa nước và làm vườn, thì Lễ cúng cá Ông (Lễ Nghinh Ông) là Lễ quan trọng bậc nhất của ngư dân ven biển. Thành Hoàng hay những vị thần khác được thờ phụng Đình chỉ nằm trong quan niệm về cõi siêu linh, qua tưởng tượng, trong khi đó cá Ông, theo ngư dân là sinh vật thiêng ở biển, được biểu hiện bằng những bộ xương cốt đặt nơi khánh thờ, hay lăng thờ và cả những con cá Ông đang bơi, rủi ra, họ sẽ nhận được sự cứu giúp.
Lễ Nghinh Ông, hay còn gọi là Lễ tế, lễ rước, Lễ cúng cá Ông, tùy theo cách gọi của từng địa phương, ở nơi vạn chài, bến cá thuộc các xã biển từ vùng Ngũ Quảng trở vào Nam Bộ, về cơ bản không có gì khác biệt nhau lắm. Thời gian tổ chức giữa nơi này và nơi khác có thể chênh lệnh nhau, nhưng thường diễn ra trước mùa đánh bắt ở biển hoặc thời điểm mưa thuận, gió hòa để tổ chức Lễ cúng, Nghinh Ông…
Vì vậy, có nơi kết hợp Lễ Nghinh Ông với Lễ cầu ngư, mở đầu cho mùa cá mới của năm. Ở Cần Thạnh Lễ Nghinh Ông được tổ chức vào ngày 15/8 (Âm lịch). Hiện nay đã được từng bước chuẩn hóa và nâng cấp thành lễ hội cấp thành phố. Sự thờ cúng cá Ông tạo ra một Lễ hội trong đời sống văn hóa đặc sắc của Cần Giờ nói chung và đặc trưng riêng của Cần Thạnh.
Hiện nay, ngoài Lễ hội Nghinh Ông, Cần Thạnh còn có sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa của các miễu, đình, chùa, Tịnh độ Cư Sĩ, thánh thất, nhà thờ,… Lễ lệ mang ý nghĩa phụng tự, nhưng đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, có sức lan tỏa rộng rãi, tạo nên một cảm nhận chung về lòng biết ơn đối với công đức của các bậc tiền hiền trong gìn giữ phong tục tập quán.